Phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, bên thu lợi lớn nhất, tất nhiên là nền kinh tế! Ngoài nền kinh tế, các bên hưởng lợi không chia đều cho mọi người. Điều chúng ta nhìn thấy là người giàu chớp được nhiều cơ hội hơn. Người nghèo, không phải không nhìn thấy cơ hội nhưng cũng đành phải “khoanh tay đứng ngó”.
Vì sao giá đất tăng phi mã và ai được hưởng lợi nhiều nhất trong việc tăng giá này là một câu hỏi. Nếu không có lời giải, hố sâu ngăn cách giàu nghèo ngày càng giãn ra thêm, bất bình đẳng xã hội ngày càng thêm sâu sắc. Có thể, nhiều vấn đề xã hội cũng phát sinh từ đây và nó không đặt ở đâu khác là trên vai Nhà nước.
Tiền đẻ ra tiền, người giàu càng giàu thêm là chân lý muôn thuở không có gì phải bàn cãi. Nhưng dựa vào những lợi thế mà Nhà nước đưa lại để được giàu thêm là vấn đề cần lý giải.
Ví dụ như quy hoạch và đầu tư xây dựng một con đường, một cây cầu, một trường học, một khu đô thị, một khu hành chính mới tập trung… thường là Nhà nước làm. Tiền đầu tư xây dựng một con đường là tiền của toàn dân do Nhà nước quản lý và đại diện sử dụng. Nhưng cái lợi của tác động lan tỏa, thì có vẻ như chỉ người giàu mới cầm nắm được cơ hội còn người nghèo thì rất khó nắm bắt?
Thực tế trong thời gian qua, một khu quy hoạch nào đó hình thành, đưa ra đấu giá, Nhà nước thu được một phần. Đó là cái phần đầu tiên, cố định. Muốn bán được đất Nhà nước phải bỏ tiền đầu tư hạ tầng. Hoặc là một con đường kết nối, hoặc là đầu tư ngay trong khu quy hoạch để hình thành. Hai ba năm qua, nguồn thu này rất lớn, lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng người còn thu lợi được nhiều hơn, có lẽ là người giàu. Họ đấu giá xong để đấy, chờ giá lên bán thu lời. Mỗi m2 đất cả chục đến hàng chục triệu đồng, người nghèo làm sao với được. Thế là đất đai phần lớn nằm trong tay người có tiền. Người này bán kiếm lời xong thì người mua tiếp tục một vòng bán mua khác, với giá cao hơn nữa, cứ thế đẩy giá đất lên cao chót vót. Có những khu vực, giá đất từ điểm xuất phát là đấu giá, nay sau chừng năm sáu năm đã tăng lên gấp 3 lần. Có thể hiểu, Nhà nước thu được một thì người giàu thu được hai!?
Nhà ở xã hội chính là một cách Nhà nước đứng ra tài trợ một phần để tạo điều kiện về nhà ở cho người dân, nhưng xem ra vì nguồn lực hạn hẹp nên chẳng được bao nhiêu. Nhưng ngay nhà ở xã hội, bằng cách này hay cách khác, người giàu vẫn cứ chen được một phần trong đó. Rốt cuộc, phần lợi vẫn rơi vào tay những doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và người có tiền.
Có vẻ như, Nhà nước chưa có một giải pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn việc đầu cơ đất đai. Cho nên đất đai vẫn là một kênh đầu tư hấp dẫn đối với người có tiền.
Giá đất cao làm lợi cho nhóm người giàu có, nhưng cũng có thể gây ra những rủi ro cho nền kinh tế. Đó là khi nó hút một lượng tiền quá lớn, kể cả nguồn vốn tài trợ từ các ngân hàng. Một nền kinh tế khó có thể lớn mạnh được khi một lượng lớn nguồn vốn cứ chạy quanh đất đai chứ ít tham gia vào kênh sản xuất kinh doanh để tạo ra hàng hóa thật. Việc làm cho người lao động lấy ở đâu ra khi đất cứ sang từ tay người này đến tay người khác? Cùng lắm là tạo việc làm cho một đội ngũ ít ỏi môi giới, nhưng thiếu ổn định và cho người có tiền có cảm giác mình giàu hơn lên chứ xã hội chưa chắc gì được lãi…
Lê Nguyễn