Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ tham quan không gian trưng bày
Đây là hoạt động nhân kỷ niệm 80 năm ngày mất của vua Hàm Nghi (1944 – 2023) với mong muốn giới thiệu đến công chúng cuộc đời, sự nghiệp và di sản nghệ thuật của một vị vua yêu nước, một nghệ sĩ tài hoa.
Không gian trưng bày giới thiệu đến công chúng hình ảnh về cuộc đời của vua Hàm Nghi từ khi lên ngôi, giai đoạn chống Pháp, giai đoạn lưu đày tại Alger (thủ đô Algérie), 31 bản sao các tác phẩm nghệ thuật là tranh, tượng do nhà vua sáng tác ở Alger.
Đặc biệt, công chúng có dịp chiêm ngưỡng bức tranh gốc của vua Hàm Nghi do một cá nhân hiến tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Ngoài nội dung trưng bày trực quan, người xem còn được tìm hiểu, khám phá thông qua thiết bị trình chiếu cảm biến không dây, sách tương tác giới thiệu các thông tin, hình ảnh, video clip về cuộc đời của vua Hàm Nghi.
Không gian trưng bày là kết quả sau những nỗ lực sưu tầm tư liệu về vua Hàm Nghi của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và sự hỗ trợ của TS. Amandine Dabat – nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi.
Việc hình thành không gian trưng bày “Vua Hàm Nghi, cuộc đời và nghệ thuật” sẽ giúp người dân và du khách có dịp tìm hiểu thêm cuộc đời và sự nghiệp của vị vua thứ 8 của nhà Nguyễn.
* Chiều cùng ngày, TS. Amandine Dabat cũng đã có buổi nói chuyện về “Cuộc đời và nghệ thuật của vua Hàm Nghi” tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, nhân dịp trở về Huế tham dự các hoạt động kỷ niệm ngày mất của vua Hàm Nghi.
TS. Amandine Dabat chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về vua Hàm Nghi
TS. Amandine Dabat đã chia sẻ nhiều thông tin, tài liệu quan trọng về những tháng ngày bị lưu đày ở Algérie của vua Hàm Nghi, công bố những bức thư của cựu hoàng gửi cho chính quyền Pháp và bạn bè của ông. Qua đó, những người tham dự có thể hiểu thêm về cuộc sống, nỗi niềm của vua Hàm Nghi ở xứ người.
TS. Amandine Dabat cũng chia sẻ quá trình vua Hàm Nghi đến với nghệ thuật; giới thiệu, phân tích thế giới nghệ thuật của ông thông qua tranh và tượng. Theo Amandine Dabat, bị quản thúc trong cuộc sống, vua Hàm Nghi tìm đến với sự tự do trong sáng tạo, thể hiện nỗi niềm cô đơn và hoài nhớ quê hương.
TS. Amandine Dabat từng làm luận án tiến sĩ và xuất bản sách về cuộc đời làm nghệ thuật của vua Hàm Nghi. Bà đã đến Huế nhiều lần để nghiên cứu về tiên đế của mình. Ngoài việc kết nối, hỗ trợ giới thiệu di sản của vua Hàm Nghi tại Huế, thời gian tới, TS. Amandine Dabat cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong việc chia sẻ những dữ liệu gốc, đưa các di vật của vua Hàm Nghi về nước. Bà cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy việc đưa thi hài của nhà vua về nước theo di nguyện của ông.
Dịp này, TS. Amandine Dabat hiến tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ống điếu gắn bó với vua Hàm Nghi suốt cuộc đời lưu đày.
Một số hình ảnh về hai hoạt động trên được Thừa Thiên Huế Online ghi lại:
Khai mạc không gian trưng bày về vua Hàm Nghi
Tại không gian này, người xem được tìm hiểu sâu về cuộc đời và sự nghiệp của vị vua yêu nước
Bức tranh gốc của vua Hàm Nghi do một cá nhân giấu tên hiến tặng
TS. Amandine Dabat trao tặng ống điếu cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế
Đây là ống điếu được vua Hàm Nghi đem từ Việt Nam sang khi bị đưa đi lưu đày và gắn bó suốt cuộc đời ông
TS. Amandine Dabat giới thiệu về các di vật, tác phẩm của vua Hàm Nghi
Không gian trưng bày còn ứng dụng những công nghệ mới, giúp người xem dễ dàng tương tác
Những hình ảnh, hiện vật tại không gian trưng bày hấp dẫn người xem
UBND tỉnh tặng bằng khen cho TS. Amandine Dabat với những đóng góp trong việc phát huy di sản của vua Hàm Nghi
Tin, ảnh: Minh Hiền