Giọng bass số một Việt Nam bất ngờ hát nhạc tình

NSND Quốc Hưng cho biết đã chọn được 40 ca khúc gắn liền với mình ở thời hát phòng trà hơn 20 năm về trước.

12 năm trước, NSND Quốc Hưng cũng gây bất ngờ khi công bố làm album nhạc trữ tình về Hà Nội.

Đồng hành cùng Hưng trong chuyến biểu diễn “Những ngày Việt Nam tại Nga” năm 2008, chứng kiến buổi tổng duyệt khắt khe của nước chủ nhà và Hưng được duyệt chỉ bằng 1 câu hát trong khi các nghệ sĩ khác phải trình bày cả bài, tôi hiểu phía bạn đánh giá rất cao giọng hát của Hưng.

Nên khi anh chia sẻ việc làm album nhạc trữ tình về Hà Nội, tôi hơi ngỡ ngàng. Hưng muốn tôi tìm giúp anh một nhà phát hành để công sức và cả số tiền hơn 150 triệu anh đổ vào album không bị “chìm nghỉm” giữa thị trường nhạc sôi động nhiều màu sắc lúc đó.

Tôi đưa Hưng đến gặp đạo diễn Phạm Đông Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Cổ Phần Nghe nhìn Thăng Long. Chúng tôi nghe rất kỹ album mà Hưng đã thu, cân nhắc tên album mà Hưng đặt “Hà Nội ơi thầm hát”. Trên đường về, đạo diễn Phạm Đồng Hồng gọi điện nói: “ Anh thấy Hưng vẫn ảnh hưởng nhiều chất opera ở album này. Nhưng Công ty anh sẽ nhận phát hành album”.

Cũng như đạo diễn Phạm Đông Hồng, tôi có chút lo lắng, vì những ca khúc trong album của Hưng đều là những bài hát “nằm lòng” với khán giả và đã được nhiều ca sĩ thể hiện ngọt, nhuyễn, đầy cảm xúc.

Hà Nội ơi thầm hát . Hưng có sự khác biệt để khoe là giọng nam trầm đại/ basso profundo khiến cho các ca khúc anh thể hiện có một sắc thái mới, dày, sâu và sang trọng… nhưng tôi vẫn nhìn thấy có chút gì đó chưa thật sự ngọt, thật mềm ở một vài câu, chỗ mà nhiều ca sĩ trước đó đã ghi điểm rồi.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng cùng quan điểm với tôi, nhưng tôi lại không nói với Hưng điều đó vì sợ anh buồn. Thật may, bất chấp băng đĩa lậu tràn ngập lúc đó, album Hà Nội ơi thầm hát phát hành tốt. Sự “chơi sang” của Hưng khi đầu tư cho hình thức của album cũng ghi điểm với khán giả về sự đầu tư nghiêm túc không chạy theo thị hiếu đám đông.

Album thứ hai của NSND Quốc Hưng-Những bản tình ca đỏ, tôi được nghe bản demo khi cùng gia đình anh tham gia chuyến thiện nguyện ở Thái Bình.

Chúng tôi nghe đi, nghe lại abum suốt chặng đường. Có một sự chuyển biến mạnh về giọng hát của Hưng so với album đầu tiên. Ở Những bản tình ca đỏ, Hưng đã tiết chế khá tốt kỹ thuật hát opera, thể hiện ca khúc bằng chiều sâu của âm nhạc. Giọng hát hào sảng, trầm dày quen thuộc bỗng trở nên nhẹ nhàng, trữ tình, tạo cảm giác gần gũi.

Bẵng đi mấy năm, Hưng công bố ra mắt album mới, ai cũng nghĩ anh sẽ tiếp tục với dòng nhạc trữ tình, cách mạng tiếp nối dấu ấn Những bản tình ca đỏ .

Nhưng Hưng lại trưng ra album nhạc tình đã đóng đinh tên tuổi của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trước đó. Không ít người yêu nhạc tò mò, giọng opera Quốc Hưng sẽ thể hiện Bài tình ca cho em, Tình khúc buồn, Áo lụa Hà Đông, Bài không tên số 4, Bài không tên cuối cùng, Một lần nào cho tôi gặp lại em, Anh còn nợ em,Mắt lệ cho người, Nửa hồn thương đau…ra sao?

Sự dũng cảm thể nghiệm để khám phá bản thân là điều mà công chúng ghi nhận và chờ đợi ở các nghệ sĩ nhưng … thể nghiệm từ opera sang nhạc tình, cho dù đã có quãng đệm là hai album nhạc trữ tình vẫn là một “ẩn số” tạo ra tò mò và cả thắc mắc.

Nên, khi nghe Quốc Hưng hát Anh còn nợ em, Nửa hồn thương đau, Mắt lệ cho người với sắc thái riêng của giọng hát trầm, dày, người nghe có chút ngỡ ngàng, bất ngờ khi cảm xúc cũ xưa trong ký ức ùa về. Không thể phủ nhận, Quốc Hưng đã hát nhạc tình thành công, giọng hát của anh đã đưa người nghe trở lại với ký ức , với dĩ vãng của nhiều cuộc đời, nhiều số phận.

NSND Quốc Hưng và ê kíp chia sẻ về album

Nói về lý do hát nhạc tình, Hưng kể đó là những ca khúc anh từng hát kiếm tiền ở các phòng trà từ thời còn là sinh viên: “ Tôi gặp lại chính tôi của thời trai trẻ, trở lại với giọng hát mà nhiều năm trước tôi và cả công chúng yêu nhạc những nơi tôi biểu diễn đã chìm đắm trong cảm xúc.

Nhiều ca khúc nhạc xưa trữ tình rất giàu nhạc tính và chất liệu nghệ thuật ẩn chứa trong đó rất cao nên thể hiện ra chất những tác phẩm này cũng không hề đơn giản, đòi hỏi người hát phải có cảm xúc âm nhạc tràn đầy, phải có tâm hồn lãng mạn, phải biết biến âm nhạc thành một cuộc rong chơi do chính mình chủ động và phải có giọng hát tốt, có làn hơi đủ đầy. Thậm chí không ít ca khúc giống như khuôn khổ một romance của âm nhạc phương Tây đòi hỏi người nghệ sĩ phải có kỹ thuật thanh nhạc mới chinh phục được, chẳng hạn như bài Nửa hồn thương đau”- NSND Quốc Hưng chia sẻ.

Tâm sự của Quốc Hưng cũng là câu trả lời cho những thắc mắc: “ Một nghệ sĩ oper nổi tiếng chuyển hướng hát nhạc tình… có khiến các sinh viên Học viện âm nhạc theo thầy hát nhạc tình , ảnh hưởng đến việc trau dồi kỹ thuật thanh nhạc đỉnh cao?”.

Theo đó, thể hiện những tác phẩm trữ tình thuộc dòng nhạc xưa cũng góp phần bồi đắp thêm cho tâm hồn người nghệ sĩ những cảm xúc mới. Và vì thế, khi người nghệ sĩ thính phòng cổ điển thể hiện những tác phẩm nhạc xưa cũng góp phần tạo thêm màu sắc mới cho những tác phẩm này và mở rộng thêm ranh giới tác phẩm, màu sắc âm nhạc mà người nghệ sĩ có thể thể hiện.

Đồng quan điểm với NSND Quốc Hưng, NSND Quang Thọ cũng khẳng định, ở Học Viện Âm nhạc Quốc gia, các thầy, cô không ngăn cấm sinh viên thể nghiệm với những dòng nhạc khác. Nhưng trước khi thể nghiệm mình ở một dòng nhạc mới thì phải nắm vững và làm chủ các kỹ thuật hát nhạc đỉnh cao mà mình được học tập để góp phần tạo thêm những sắc thái mới cho dòng nhạc mình thể nghiệm chứ không phải chạy theo nó, lệ thuộc nó vì mục đích thương mại.

Toàn bộ 10 bài trong album được các nhạc sĩ Xuân Hiểu, Hà Trung, Đức Nghĩa hòa âm phối khí.

Với vai trò giám đốc âm nhạc đồng thời kiêm luôn toàn bộ phần thu âm cho đến master của album, nhạc sĩ Kiên Ninh cho biết album được thực hiện rất kỹ lưỡng từ mọi khâu. Khi mastering anh phải làm thế lần thứ 3 mới ưng ý. Về hoà âm phối khí, Kiên Ninh cũng khá mất công tư duy sao cho bài cũ mà hoà âm có nét mới, có cái để nghe. Dễ nghe mà phải có đẳng cấp vì người hát là một nghệ sĩ opera có tiếng .Vì album nhạc tình lãng mạn nên phần cảm xúc trong lúc thể hiện rất quan trọng. NSND Quốc Hưng giọng hát trầm ấm đầy nội lực với kỹ thuật thượng thừa rồi nhưng khi hát nhạc tình lại phải tiết chế nhiều nhất có thể cách hát của thính phòng cách mạng. Bởi vậy khi thu âm phải khéo léo tương tác với nghệ sĩ để đẩy được cảm xúc lên cao.

Nhạc sĩ Hà Trung (phối 6/10 ca khúc trong album) chia sẻ: “Khi nhận lời phối khí các bài hát do NSND Quốc Hưng thể hiện, tôi run lắm. Thầy rất kỹ tính. Và tôi phải vắt óc để nghĩ làm sao có bản phối mới, ấn tượng mà vẫn tôn được giọng hát nội lực của nghệ sĩ Quốc Hưng. Vì thế, tôi dùng nhạc cụ giao hưởng thính phòng (dàn nhạc dây) nhưng hòa âm nhẹ nhàng đi, phù hợp với dòng nhạc tình”.

Khẳng định rất hài lòng với các bản phối của Hà Trung, NSND Quốc Hưng cho biết đã chọn được 40 ca khúc gắn liền với mình ở thời hát phòng trà hơn 20 năm về trước.

Theo đó, sẽ có 3 album nhạc tình tiếp tục được thực hiện và ra mắt công chúng trong thời gian tới và Hà Trung vẫn là người phối chính cho các album này. Anh cũng tiết lộ sẽ ra mắt chương trình Giọng hát Quốc Hưng ở Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 3.2023. Công tác chuẩn bị cho đêm nhạc hoành tráng này đang được gấp rút thực hiện.

CHU THU HẰNG

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …