Hộ ông Võ Tín, thôn Lương Mai, xã Phong Chương, một trong những hộ mới thoát nghèo của xã. Ấn tượng về ông là thân hình nhỏ nhắn vì bị tật lúc trẻ. Với quyết tâm thoát nghèo, ngoài diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước cấp, ông mạnh dạn thuê thêm 1 mẫu ruộng để trồng lúa. Ông còn kết hợp nuôi gà với đàn gần 100 con; đàn vịt và ngỗng cũng cho thêm thu nhập thường xuyên. Được sự hỗ trợ của Nhà nước và vốn đối ứng của gia đình, ông được hỗ trợ bò mẹ sinh sản. Bò mẹ sinh con sau thời gian chăm sóc. Vừa rồi, ông đã bán chú bò con được 10 triệu đồng, nhờ thế có tiền để sửa sang lại nhà cửa.
Theo thống kê của UBND xã Phong Chương, ông Võ Tín là một trong 52 hộ ra khỏi hộ nghèo ở xã sau khi rà soát hộ nghèo cuối năm 2022 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 – 2025). Hiện, số hộ nghèo còn lại là ở Phong Chương là 34 hộ, chiếm tỷ lệ 1,47%.
Bà Trần Thị Thu Huyền, Chủ tịch UBND xã Phong Chương cho biết, năm 2022, công tác xóa đói giảm nghèo ở xã được tập trung thực hiện. Xã đã mời các hộ nghèo để bàn giải pháp, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ. Từ đó, phân công trách nhiệm từng cán bộ, đảng viên, cấp ủy, chính quyền địa phương để hỗ trợ, giúp đỡ. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ về vốn vay để sản xuất, chăn nuôi; thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV giai đoạn 2021 – 2025; hỗ trợ xây dựng nhà ở, cây trồng, con giống…
Tại Điền Hương, năm 2022, UBND xã đã tiến hành rà soát 136 hộ, 261 khẩu. Kết quả, toàn xã có 12 hộ thoát nghèo và 3 hộ thoát cận nghèo. Hiện nay, hộ nghèo ở xã này còn là 58 hộ, với 91 khẩu, chiếm tỷ lệ 6,06%; hộ cận nghèo là 73, với 168 khẩu, chiếm tỷ lệ 7,63%.
Ông Thái Duy Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho biết, trong nhiều giải pháp để giảm nghèo ở xã thời gian qua, hiệu quả nhất là công tác triển khai các mô hình sinh kế thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV, như chăn nuôi bò, lợn, gà…; trong đó, mô hình chăn nuôi bò theo hướng an toàn sinh học, bền vững được triển khai rất hiệu quả. Năm 2022, xã đã hỗ trợ được 15 hộ với 15 con bò cái sinh sản. Sau một năm, nhiều bò đã sinh sản, mang lại thu nhập cho người chăn nuôi.
Qua quá trình nghiên cứu các chỉ số giảm nghèo ở Phong Chương và Điền Hương, nhiều hộ thoát nghèo vừa qua là nhờ vào những nguồn hỗ trợ trực tiếp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Còn về lâu dài, giảm nghèo cần hướng đến tính bền vững, bằng cách tạo sinh kế, công việc ổn định và lâu dài cho người dân. Nếu không, việc tái nghèo sau một thời gian là điều khó tránh khỏi.
Theo lãnh đạo các xã, địa phương đang có nhiều thuận lợi để GNBV cho người dân. Khu công nghiệp Phong Điền được mở rộng và nhu cầu lao động phổ thông đang rất lớn. Nhiều người dân trong xã trước đây công việc bấp bênh, nay đã vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, cho thu nhập rất ổn định. Cùng với đó, xã tiếp tục tái cơ cấu cây trồng, áp dụng mô hình chăn nuôi bền vững. Tỉnh lộ 9 nối từ trung tâm huyện về xã biển Điền Lộc đi qua địa bàn xã dần hoàn thiện, một thuận lợi để người dân trong xã chuyển dịch sang lĩnh vực dịch vụ.
Ông Đoàn Kỳ Côi, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện Phong Điền cho biết, đối với hai xã Phong Chương và Điền Hương, yêu cầu đặt ra là tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả hơn nữa các nguồn lực đầu tư cho công tác GNBV, giải quyết việc làm. Cần lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia GNBV, xây dựng nông thôn mới, thông qua các mô hình sản xuất, sinh kế phù hợp. Các nguồn hỗ trợ qua kênh của Ủy ban Mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội, các tổ chức, cá nhân, các nguồn vốn vay ưu đãi đến đúng đối tượng, đúng nhu cầu để tạo sinh kế ổn định cho người dân.
ĐỨC QUANG