“Cánh tay nối dài” ở A Lưới

Già làng Hồ Thanh Xoa (thứ 2 bên phải) tuyên truyền về chủ trương mới của địa phương đến với bà con

Đưa chủ trương, chính sách đến với cộng đồng

Sinh ra ở vùng đất nghèo A Ngo của huyện A Lưới, già làng Hồ Thanh Xoa (thôn Diên Mai) từng tham gia công tác qua nhiều lĩnh vực: Chủ tịch Hội Nông dân huyện, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Hội Người cao tuổi của xã… Dù ở cương vị nào ông cũng luôn trăn trở với công việc, với đời sống của đồng bào mình.

Những năm 1994 đến 2001, già làng Hồ Thanh Xoa lúc đó là Trưởng ban Dân vận Huyện ủy A Lưới, được Thường vụ Huyện ủy giao nhiệm vụ chỉ đạo tại xã Hương Phong. Thời gian này ông Xoa tích cực bám cơ sở, nhiệm vụ trọng tâm của ông cùng chính quyền xã lúc bấy giờ là tập trung xây dựng một số mô hình kinh tế hộ, kinh tế gia trại và phát triển hệ thống ngành nghề, dịch vụ phân phối hàng hóa.

“Đến năm 2000, từ chủ trương của huyện, Hương Phong phát động chương trình trồng rừng kinh tế, mở hướng phát triển mới. Từ đó, các đội đoàn kết sản xuất được hình thành, mỗi đơn vị là mỗi thôn; phương thức canh tác cũng được thay đổi sang hướng chuyên canh, thâm canh, mở đầu cho thời kỳ phát triển mới của địa phương, trở thành ngành mũi nhọn giúp bà con vượt lên khó khăn” – ông Xoa nói.

Năm 2004, ông Hồ Thanh Xoa có quyết định nghỉ hưu. Về địa phương, ông nhận thấy đời sống bà con còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn rất cao. Trong khi địa phương lại có tiềm năng về phát triển trồng rừng kinh tế và ngành nghề chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Thế là ông tự nguyện tham gia làm nhân viên tư vấn cho các dự án trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi trọc của huyện. Qua 5 năm, ông đã vận động đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã A Ngo, Hồng Bắc, Hồng Thượng, Hồng Thái và Quảng Nhâm khai hoang trồng rừng với tổng diện tích gần 1.000ha.

Ít ai nghĩ rằng ông đã ở vào cái tuổi trên 80, bởi tác phong nhanh nhẹn, nói chuyện minh mẫn, đi đứng mạnh mẽ. Cùng ông đi dạo các thôn trong xã mới thấy nhiệt huyết của người già làng có uy tín với đồng bào này. Đến đâu là ông vào việc đến đó, từ truyền đạt chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, cải thiện môi trường nông thôn, đến vận động người dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, hạch toán chi tiêu, đẩy mạnh sản xuất…

Bà Kăn Lô, ở thôn Diên Mai, dừng tay cào bắp ở sân phơi, trò chuyện: “Nhờ già Xoa vận động, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trồng rừng và phát triển chăn nuôi, sau đó mới thoát nghèo, xây được nhà cửa khang trang. Cũng nhờ già Xoa, bà con trong thôn nay đã biết áp dụng KHKT vào sản xuất để cho giá trị kinh tế cao hơn…”.

Giàu nhiệt tình và lòng nhân ái, lại có quá trình cống hiến trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, già làng Hồ Thanh Xoa là người được đồng bào luôn tin tưởng trong mọi phong trào. Điều đó đã góp phần quan trọng làm đổi thay trong đời sống của đồng bào ở quê hương ông. Kết quả đã được ghi nhận, mới đây ông là một trong số điển hình được Ủy ban Dân tộc tuyên dương, khen thưởng già làng có nhiều đóng góp cho vùng đồng bào DTTS.

Theo ông Nguyễn Đức, Chủ tịch UBND xã A Ngo, nhờ già làng Hồ Thanh Xoa tuyên truyền, vận động nên các chủ trương, chính sách, phong trào hành động mới của địa phương được đồng bào hưởng ướng rất tích cực và thực hiện hiệu quả.

Tạo chuyển biến mới ở cơ sở

A Lưới hiện có khoảng hơn 46 ngàn dân, trong đó đồng bào DTTS chiếm 87% dân số. Toàn huyện có 82 già làng, trưởng bản, NCUT trong cộng đồng DTTS trên địa bàn.

Giống như bao “cây đại thụ” ở biên giới A Lưới, dù bước sang tuổi 62, nhưng ông Hồ Xuân Ngữ (dân tộc Tà Ôi), ở thôn Y Reo, xã Hồng Thái vẫn chưa ngày nào ngừng công việc tuyên truyền, vận động đồng bào đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình, gìn giữ khối đại đoàn kết toàn dân và tích cực tham gia phong trào toàn dân xây dựng NTM. Bản thân là NCUT trong cộng đồng thôn Y Reo, sau nhiều năm gắn bó với mảnh đất biên cương Hồng Thái, dù ở cương vị nào ông cũng xông xáo, tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào thay đổi tập tục canh tác, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Ông Ngữ bảo: “Sau khi có chủ trương về xây dựng NTM, xác định được đây là chương trình kết hợp giữa Nhà nước và Nhân dân, phục vụ cho người dân địa phương để phát triển kinh tế – xã hội, tôi cùng chính quyền địa phương thông qua mối quan hệ dòng tộc, người thân tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu rõ mình là chủ thể trong việc thực hiện chương trình này”. Từ đó, trong công tác giải phóng mặt bằng thi công các công trình, người dân đều đồng tình tự nguyện hiến đất, hiến cây, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện chương trình xây dựng NTM tại địa phương…

Theo ông Hồ Đàm Giang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy A Lưới, NCUT trong đồng bào DTTS đóng vai trò rất lớn giúp bà con biết phát huy ý thức tự lực, tự cường, tạo những chuyển biến mới ở cơ sở, góp phần tích cực xây dựng vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Bá Trí

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …