Hình ảnh ấn vàng của triều Minh Mạng trên trang web đấu giá của hãng Millon.
Ngay sau khi nắm được thông tin về việc đấu giá hai cổ vật trên, mới đây Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao đề nghị nhanh chóng tìm hiểu và đề xuất phương án phù hợp với pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế để “hồi hương” hai cổ vật
Sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người Việt Nam ở trong nước và ngoài nước. Bởi kim ấn “Hoàng đế chi bảo” không chỉ là một vật chứng đặc biệt, hiện diện trong các hoạt động công quyền, chính sự của nhà Nguyễn trong suốt một thời gian dài mà còn có ý nghĩa đặc biệt về lịch sử, văn hóa dân tộc. Do vậy, việc đưa cổ vật này hồi hương là cần thiết.
Thời gian qua vấn đề hồi hương cổ vật nhận được nhiều sự quan tâm, bàn thảo, cũng như các ý kiến đề xuất, kiến nghị từ các nhà khoa học, chuyên gia, người làm công tác nghiên cứu cũng như giới sưu tầm. Bởi lẽ dù xuất hiện ở những giai đoạn lịch sử khác nhau song trải qua những biến thiên, thăng trầm của thời gian, mỗi cổ vật còn tồn tại đến ngày hôm nay đều mang những giá trị hết sức quý giá.
Qua đó có thể giúp cho hậu thế tái hiện quá khứ, hiểu sâu sắc hơn về văn hóa, lịch sử của dân tộc qua từng thời kỳ. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, không ít cổ vật có giá trị đang lưu lạc tại nhiều quốc gia, nằm trong các bảo tàng hoặc thuộc về các bộ sưu tập của tư nhân, xuất hiện trong các phiên đấu giá với mức giá có thể lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hiện nay, việc tìm kiếm, kết nối, đưa cổ vật về nước đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cả về cơ chế, chính sách cũng như nguồn lực tài chính. Chính vì vậy, rất cần sớm hoạch định chủ trương, sách lược tổng thể về vấn đề này.
Cần thẳng thắn nhìn nhận rằng chúng ta không có đủ nguồn lực để đặt ra mục tiêu hồi hương tất cả các cổ vật. Thay vào đó, nên lựa chọn những cổ vật có giá trị và ý nghĩa thật sự nổi trội, đặc sắc của từng thời kỳ. Vai trò chủ đạo trong công tác này thuộc về các cơ quan chức năng, song không thể thiếu sự chung tay, hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, những người tâm huyết với công tác bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.
Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà sưu tập cùng tham gia, có thể xem xét miễn, giảm thuế, đơn giản thủ tục nhập khẩu với cổ vật. Thực tế, các đơn vị công lập như bảo tàng rất khó có đủ tiềm lực để theo đuổi, tham gia đấu giá hay tổ chức kiếm tìm cổ vật đang lưu lạc trên thế giới. Nhưng nếu chúng ta biết huy động các nguồn lực trong xã hội cùng tham gia thì chắc chắn hiệu quả thu về là không nhỏ.
Đơn cử như hồi tháng 4/2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận hai cổ vật triều Nguyễn do một doanh nghiệp hiến tặng sau khi thắng đấu giá ở nước ngoài, gồm một mũ quan và một áo Nhật Bình với tổng trị giá xấp xỉ 21 tỷ đồng.
Thời gian qua, một số địa phương đã tiếp nhận những tấm lòng hảo tâm từ các tổ chức, cá nhân, nhờ vậy nhiều cổ vật có giá trị được hiện diện trong các bảo tàng và giới thiệu tới đông đảo người dân. Hành trình ý nghĩa ấy rất cần được tiếp nối và nhân rộng, góp phần bảo tồn, lan tỏa giá trị di sản của cha ông đến các thế hệ mai sau.
Theo nhandan.vn