Theo báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP Việt Nam được dự báo tăng mạnh từ 2,6% trong năm 2021 lên 7,5% trong năm 2022. Các tổ chức tài chính quốc tế mới đây còn dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 7,5 – 8,5%.
Tổng cục Thống kê cũng công bố, tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2022 ước đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tháng 8 ước đạt 16.600 tỷ đồng; lũy kế 8 tháng năm 2022 đạt 197.600 tỷ đồng, bằng 99,3% dự toán năm, chuẩn bị “cán đích” và tăng 21,5% so với cùng kỳ…
Đây là những con số ấn tượng cho thấy, nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch; thể hiện sự quan tâm kịp thời về cơ chế, chính sách của Quốc hội; tính chủ động, linh hoạt của Chính phủ, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong trạng thái bình thường mới; được nhiều tổ chức quốc tế nghi nhận, đánh giá cao.
Trong 8 tháng năm nay cả nước có hơn 149 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động; đặc biệt vốn FDI đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh đạt 13,86 tỷ USD tăng 45,3%, cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng vào môi trường kinh doanh và vai trò của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hòa chung với cả nước, tình tình kinh tế – xã hội trên địa bàn Thừa Thiên Huế những tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực, với tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,92%. Tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa VIII đã đặt ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng cuối năm 2022 đạt 8,5-9,5%, góp phần nâng tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2022 của tỉnh đạt từ 7,5-8,5%, vượt kế hoạch đề ra ban đầu là 6,5-7,5%…
Những kết quả nổi bật trong phục hồi, phát triển kinh tế của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung là niềm vui, động lực quan trọng để phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, vẫn không thể chủ quan khi tình hình thế giới, trong nước vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những bất lợi. Đó là dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là chính sách “Zero covid” của Trung Quốc, một trong những thị trường tiêu thụ nông sản lớn của Việt Nam; và trong thực tế hàng hóa của chúng ta nhiều lần bị ùn ứ do lệnh phong tỏa này mỗi khi xuất hiện ca F0.
Bên cạnh đó, căng thẳng và xung đột địa chính trị, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga vẫn chưa đến hồi kết; đồng thời, sự thiếu ổn định, mất giá đồng tiền của một số nước phát triển; hiện tượng thời tiết cực đoan lũ lụt, hạn hán nghiêm trọng đang diễn ra ở nhiều quốc gia đã ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sản xuất, thu nhập của người dân sở tại… đã phần nào ảnh hưởng đến thị trường xuất, nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp trong nước.
Ở trong nước, thời tiết cuối năm cũng thường bất lợi; nhất là dự báo mùa mưa bão năm nay sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn khác như: tình hình giá cả vẫn chưa thực sự hạ nhiệt, nhất là giá vật liệu xây dựng như sắt thép, cát… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thi công của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng; dịch COVID-19 tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn có nguy cơ lây lan trở lại…
Thực tế trên đòi hỏi các cấp chính quyền, doanh nghiệp phải chủ động, linh hoạt để duy trì và phát triển kinh tế, giữ vững kết quả đạt được, tạo đà cho sự phát triển những năm tiếp theo.
ĐẶNG THÀNH