Đón các liệt sĩ về đất mẹ
Chinh phục những cánh rừng già
Mùa khô 2021-2022, Đội 192 tìm kiếm, quy tập được 16 mộ liệt sĩ, vượt chỉ tiêu đề ra. Nói về những khó khăn, kỷ niệm trên hành trình đi tìm đồng đội thì không thể nào kể xiết đối với những người lính Đội 192. Mỗi ngôi mộ được tìm thấy là một câu chuyện. Có những ngôi mộ mấy năm trời mới tìm được, có những ngôi mộ đội phải bới tung cả quả đồi lên. Có những ngôi mộ để tiếp cận được vị trí, các thành viên phải băng rừng, vượt suối, thậm chí bắc cầu để qua.
Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Đình Tịnh, Đội 192 cho biết: Kỷ niệm về những mùa khô đi tìm mộ liệt sĩ thì nhiều không kể xiết, bởi mỗi ngôi mộ được tìm thấy chúng tôi phải vượt qua vô vàn khó khăn. Nhiều ngôi mộ đã được xác định vị trí, nhưng những trận mưa rừng, lũ quét bất ngờ cuốn phăng mọi dấu vết, chúng tôi lại phải bắt đầu lại từ đầu.
Sau trận lụt năm 2019, nhiều bản làng, những cây cầu để đến với các địa điểm có mộ ở huyện Sá Muội tỉnh Salavan bị cuốn trôi. Mùa khô năm ngoái, để đến được bản A Vai (Sá Muội) – nơi được xác định có hài cốt liệt sĩ, đội đã phải vừa đi vừa làm cầu tạm, sửa đường mới đến nơi được. Vì các bản làng ở sâu trong rừng nên tất cả công việc đều được làm thủ công bằng các phương tiện như xẻng, rựa…
Nơi những người lính hôm nay đến là núi cao, rừng sâu hay những vùng đất khô cằn, thời tiết khắc nghiệt, nơi mà mọi điều kiện sinh hoạt còn khó khăn thiếu thốn. Nhưng với sự tri ân, trách nhiệm của mình với thế hệ cha anh, các anh luôn nỗ lực để vượt qua mọi khó khăn để đưa đồng đội về với đất mẹ.
Đó là những ngày nắng như đổ lửa làm cho lưng áo các anh ướt đẫm mồ hôi, hay cả người ướt sũng vì những cơn mưa rừng bất chợt. Có những ngày, đồng đội cùng chia nhau những bữa cơm khô khan trên thực địa. Nhưng những mệt nhọc đó dường như tan biến khi các anh tìm thấy đồng đội giữa núi non ngàn trùng.
Thắm tình hữu nghị
Thượng tá Nguyễn Tiến Chương, Đội trưởng Đội 192 cho biết: Hiện đơn vị đang tiếp tục tìm kiếm ở địa bàn hai tỉnh Salavan và Sê Kông. Thời gian qua, công tác tìm kiếm, cất bốc mộ liệt sĩ gặp không ít khó khăn, hiểm nguy, nhưng chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, động viên của lãnh đạo các cấp trong nước, nhất là lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh. Đặc biệt, đến đâu, chúng tôi cũng luôn nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền và Nhân dân nước bạn Lào.
Dù vị trí mộ liệt sĩ thường nằm sâu trong rừng, nơi những bản làng xa xôi, trình độ dân trí còn thấp và điều kiện kinh tế khó khăn nhưng với sự chia sẻ của người dân nước bạn, đi tới đâu, bộ đội ta cũng không ngần ngại giúp đỡ bà con tới đó, từ làm cầu tạm, sửa đường, gặt lúa, thu hoạch sắn, hướng dẫn bà con trồng hoa màu… Trong thời gian dịch bệnh kéo dài, Bộ CHQS tỉnh đã sẻ chia, tiếp sức cùng chính quyền, quân đội và người dân Lào bằng những xe hàng đầy nghĩa tình. Đó là hàng chục tấn gạo, vật tư y tế, khẩu trang, mặt nạ chống giọt bắn… để phòng chống dịch.
Trung tá Hà Trọng Thường, Chính trị viên Đội 192 chia sẻ: Trong quá trình tìm mộ, chúng tôi được Ban công tác đặc biệt các tỉnh bạn giúp đỡ rất nhiều. Nhưng do những nơi chúng tôi đến là các bản làng xa xôi, hẻo lánh, dân trí còn thấp, chưa tiếp cận được nhiều chính sách, thông tin nên mỗi nơi chúng tôi đến anh em đều tìm hiểu phong tục, tập quán của bà con để tuyên truyền, vận động bà con cung cấp thông tin. Bà con dân bản rất quý bộ đội ta, sẵn sàng bỏ công, bỏ việc để chỉ đường, giúp đỡ bộ đội trong quá trình tìm kiếm. Có những đồng bào không ngại vất vả cùng bộ độ trèo đèo lội suối đi tìm mộ liệt sĩ. Hay những bữa cơm “tiếp sức” cho bộ đội với những sản vật núi rừng, ấm tình quân dân mà các bản làng dành cho chúng tôi.
Dù chiến tranh đã lùi xa, thông tin phần mộ ngày càng ít dần, nhưng với nhiều biện pháp, nhất là tuyên truyền, Đội 192 luôn gần gũi, để lại nhiều ấn tượng tốt đối với người dân nước bạn Lào.
Hành trình tìm đồng đội trên đất nước bạn Lào của Đội 192 là những tháng ngày dãi nắng dầm mưa, là những bước chân kiên định nơi rừng thiêng nước độc, những bước chân ấy cứ thế băng rừng, vượt suối mà chẳng bao giờ chùn bước. Đó không chỉ là sự tri ân đối với thế hệ đi trước, mà là trách nhiệm của thế hệ hôm nay. Ngày nào các anh còn nằm lại núi rừng xa xôi thì những người lính hôm nay vẫn cứ hành quân, băng rừng vượt núi để tìm kiếm, cất bốc và đưa các anh về đất mẹ.
Bài, ảnh: THANH THẢO