Xử lý nồng độ cồn, không đợi “đến hẹn lại lên”

CSGT Công an TP. Huế ra quân xử lý nồng độ cồn

Người dân TP. Huế khó có thể quên được vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng xảy ra trên đường Lý Nam Đế, phường An Hòa dẫn đến chết người giữa người điều khiển mô tô va chạm với một người phụ nữ đi xe đạp.

Điều đáng nói, sau khi gây tai nạn, người điều khiển mô tô đã bỏ trốn khỏi hiện trường. 5 ngày sau, người điều khiển mô tô đã ra đầu thú tại cơ quan công an và khai rằng, tên là, N. B. Q, trú tại phường An Hòa, thời điểm gây ra TNGT, đã sử dụng bia rượu và không có giấy phép lái xe. Ngay sau đó, Q đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Huế khởi tố, bắt giam, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đây là một trong những vụ việc điển hình cho thấy sự nguy hiểm của người điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia.

Thực tế cho thấy, các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân đó là người điều khiển phương tiện đã sử dụng bia rượu nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện tham gia giao thông, dẫn đến hậu quả đau lòng.

Năm nào, Phòng CSGT Công an tỉnh và lực lượng CSGT công an các địa phương cũng ra quân xử lý “ma men”, nồng độ cồn. Kết quả, nhiều trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ do sử dụng rượu bia, nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông bị lực lượng CSGT xử phạt. Tình hình người sử dụng rượu bia nhưng cố tình điều khiển phương tiện ô tô, mô tô, xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể.

Thế nhưng, khi hết đợt ra quân xử lý nồng độ cồn của lực lượng CSGT thì, “vấn nạn” rượu bia, điều khiển phương tiện tham gia giao thông lại gia tăng và bùng phát trở lại.

Dạo quanh các nhà hàng, quán nhậu trên địa bàn TP. Huế, chúng tôi không khó để thấy cảnh, “người người”, tổ chức tiệc tùng, uống rượu bia. Kết thúc bữa tiệc, nhiều người vẫn ngang nhiên điều khiển phương tiện tham gia giao thông và TNGT xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Trong câu chuyện, nhiều người cho rằng, khi Nghị định 100 Chính phủ ra đời với việc quy định xử phạt nặng người sử dụng rượu bia, chất có cồn điều khiển phương tiện tham gia giao thông; lực lượng CSGT tăng cường, liên tục khép kín địa bàn; lập chốt, kiểm tra đo nồng độ cồn thì nhiều người không dám điều khiển xe đi nhậu. Nay, việc ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông của lực lượng CSGT không thường xuyên, mà chỉ theo từng đợt ra quân, nên người dân “bất chấp”.

Vấn nạn “ma men” sau tay lái đã được dư luận xã hội nhiều lần lên án gay gắt, giới chuyên gia và cơ quan truyền thông đã lên tiếng cảnh báo thường xuyên. Nghị định 100/NĐ-CP cũng đã có nhưng quy định xử phạt rất nặng đối với người vi phạm, song, dường như các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chức năng cần phải mạnh tay hơn nữa để răn đe.

Thiết nghĩ, nếu chỉ trông chờ vào một vài đợt phát động cao điểm ra quân hàng năm của lực lượng CSGT sẽ khiến cuộc chiến với ma men khó đạt được những mục tiêu đề ra. Đừng để khi ra quân là “đầu voi”, rầm rộ, mà khi không ra quân thì “đuôi chuột” nhẹ nhàng, khiến người uống rượu bia, điều khiển phương tiện tham gia giao thông tỏ ra “nhờn luật”.

Bài, ảnh: Tâm Anh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …