Một triển lãm được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Bắt kịp công nghệ số
Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh, với kho tàng hơn 18.000 tư liệu, hiện vật về Bác được sưu tầm trong thời gian qua được trưng bày cố định đã tạo ra phần hồn cho các di tích, hình thành các chuyên đề triển lãm tại chỗ, lưu động… đóng một vai trò rất lớn trong công tác truyền thông của bảo tàng.
Riêng với Huế, vinh dự hơn khi trong số hơn 20 di tích và địa điểm di tích về Người thì có đến 4 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt: Di tích nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan, địa điểm Trường THPT chuyên Quốc Học, Nhà Lưu niệm thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ, Đình làng Dương Nỗ (TP. Huế) và 5 di tích lịch sử cấp tỉnh. Đó được xem là lợi thế riêng trong công tác truyền thông của Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Huế. Ngoài ra, di sản về Bác Hồ ở Huế vô cùng quan trọng không thể không kể đến đó là di sản văn hóa phi vật thể như thư từ, ca dao, tục ngữ, câu đối… đã tạo nên kho sử liệu vô cùng phong phú, đa dạng.
Trước sự thay đổi của công nghệ, việc bắt kịp để đổi mới công tác tuyên truyền, quảng bá di sản của Bác Hồ trên địa bàn tỉnh luôn được Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh quan tâm. Có thể kể đến việc nâng cấp, bổ sung nhiều tiện ích, để trang web của bảo tàng chẳng khác gì một trang thông tin điện tử. Nhờ thế mà luôn nhận được sự quan tâm của bạn đọc gần xa, lượng truy cập ngày càng tăng cao.
Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh cũng tận dụng các mạng xã hội để tổ chức các cuộc thi, tạo sự tương tác bằng các lượt xem, like, chia sẻ để tạo sức lan tỏa một cách hữu ích trong công tác truyền thông cho hệ thống di tích quý báu này. Ngoài ra, còn tổ chức các cuộc triển lãm online, số hóa nội dung triển lãm bằng hình ảnh 360 độ, không gian 3D…
Theo Phòng Nghiệp vụ – Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh, với những triển lãm online chạy trên nền tảng kỹ thuật số, khách tham quan gần xa dễ dàng tiếp cận được nội dung trưng bày, phát huy giá trị các triển lãm. Ngoài việc đổi mới thông qua thiết kế trưng bày bằng phần mềm đồ họa, dàn dựng triển lãm đạt các yêu cầu về nội dung, màu sắc, chất liệu, kích thước… thì triển lãm online là bước tiếp theo của Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh trong việc ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ, nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn.
Trưng bày triển lãm chuyên đề của bảo tàng bằng hình thức online là một trong những hình thức hoạt động mới, triển lãm mới có tầm quan trọng đặc biệt. Khi phải hạn chế mở cửa đón khách tham quan bảo tàng và di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian dịch bệnh, thì ưu thế của những chuyên đề triển lãm online phù hợp với tình hình thực tế, có thể áp dụng thường xuyên mỗi khi khai mạc những bộ triển lãm mới.
Luôn chú trọng tuyên truyền, quảng bá
Bà Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh cho hay, lâu nay bảo tàng thường xuyên tổ chức các hoạt động để phục vụ tối đa người tham quan, khám phá, tìm hiểu, từ đó tạo sự hứng thú với các đoàn khách. Trong đó, chú trọng khâu số hóa các tư liệu, làm phim giới thiệu về toàn bộ hệ thống di tích, bảo tàng, triển lãm bằng công nghệ để phục vụ khách tham quan. “Đặc biệt, bảo tàng còn thường xuyên tổ chức các cuộc thi sáng tạo phim, ảnh liên quan đến các di tích, bảo tàng và nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều người tham gia, trong đó nhiều nhất vẫn là các bạn trẻ yêu thích lịch sử, công nghệ”, bà Chi chia sẻ.
Học sinh tham quan không gian trưng bày các hiện vật về Bác Hồ
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, trong thời gian tới, sở tiếp tục chỉ đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với các đơn vị, bộ phận chuyên môn của UBND TP. Huế, Sở Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Hội Lữ hành tỉnh cùng các đơn vị liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa gắn liền với hệ thống di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
Theo ông Hải, để tiếp tục phát huy tốt những giá trị di sản mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho vùng đất Thừa Thiên Huế và đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hệ thống di sản này trở thành địa chỉ tiêu biểu về văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ gắn với giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục học đường cũng như đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong thời gian đến, tiếp tục cần sự quan tâm, hỗ trợ, phối hợp thực hiện của nhiều cơ quan, ban, ngành, tổ chức và đầu tư hơn nữa bằng nhiều nguồn lực khác nhau.
Việc phát huy tốt những giá trị di sản văn hóa gắn liền với hệ thống di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh trên địa bàn Thừa Thiên Huế sẽ góp phần tích cực triển khai, cụ thể hóa quan điểm xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường theo Nghị quyết số 54-NQ/TW.
Bài: NHẬT MINH – Ảnh: NHẬT MINH – BTHCM