Hai người từng chung sống hạnh phúc, nhưng cuối cùng chị quyết định rời xa anh vì sự phản bội. Sau nhiều biến cố, chị cuối cùng cũng quyết định cho con bé Ngọc có cha. Đó là câu chuyện về tình yêu, hiểu biết và sự tha thứ.
Chị quyết định rời xa anh
Hai năm rồi chị và anh không gặp nhau. Chị không muốn gặp anh thì đúng hơn dẫu chị biết anh ở đâu và mỗi buổi sáng anh hay ngồi cà phê ở đâu. Hai năm rồi chị quên mất thói quen khi âm thanh của con phố nhỏ vang lên tiếng kéo xe hàng của những người ra chợ sớm là anh thức dậy. Chị quyết định rời xa anh. Gọi là quyết định rời xa vì hai người không ra tòa, không cần phải xé tờ giấy hôn thú. Không ra tòa, vì đã ở tuổi 60, tóc đã bạc, những giấc mơ có dang dở hay trọn vẹn cũng chỉ là những giấc mơ. Chị bảo với anh bây giờ chị cần có đời sống riêng, chị cần nhìn lại. Chị biết anh ngoại tình từ lâu rồi, chị nói với anh như thế. Chị từng đến nhà người phụ nữ kia. Căn nhà đó xa lắc, giống như nơi cất giấu một bí mật. Căn nhà nằm hút sâu trong con hẻm vẫn còn những thửa đất để trống, mặc cho cỏ dại mọc. Chị tới để nhìn đứa con của anh. Con bé giống anh như 2 giọt nước. Chị nhất quyết dứt khoát với anh, như thể dứt khoát rời khỏi căn nhà cũ, nơi mà từng vết hoen ố của thời gian mãi còn ở đó, nơi mà những tiếng cười luyến lưu mãi còn ở đó. Trong cả thời thanh xuân và mãi đến bây giờ, bên cạnh chị chỉ có mỗi mình anh. Chị cần mẫn chia sẻ buồn vui cùng anh. Chị không đòi hỏi anh bất cứ điều gì trong cuộc sống, dẫu là điều nhỏ nhặt nhất. Chị quen tiếng cười, quen mùi tóc lâu ngày không gội của anh. Tất cả đều thuộc về anh. Nhưng chị dứt khoát rời xa.
Miên – đứa con gái lớn – đã tốt nghiệp tiến sĩ
Miên – đứa con gái lớn – đã tốt nghiệp tiến sĩ và ở lại Canada giảng dạy. Nó cũng đã chọn cho mình một tình yêu và chắc chắn sẽ không trở về. Nó nói: “Hay là mẹ qua đây với tụi con”. Chị từ chối lời mời của con gái bởi chị đã quen thành phố này, quen những con đường và quen cả mùi của phố. Chị nói hôm nào chị sẽ bay qua đó thăm con nhưng trời trở lạnh là chân của chị đau buốt. Đó là căn bệnh của tuổi già, căn bệnh của thời gian. Mãi đến giờ này, chị gần như chưa đi hết một phần nhỏ của đất nước mình, nói chi là đến một đất nước xa lạ. Thật ra, chị không hề dành phần cho riêng mình. Với chị, mỗi ngày đến trường và trở về, chăm sóc từng bữa cơm cho gia đình là hạnh phúc. Khi người ta có đầy đủ thì cuộc sống sẽ chông chênh, chồng chị không là ngoại lệ. Khi không cần phải tính từng đồng bạc để lo thứ này thứ nọ, người ta thích chọn quán sang trọng. Khi đủ những giấc mơ, người ta mơ một giấc mơ khác. Chị biết điều đó, giống như chị biết anh về khuya với hơi men, quần áo lệch đi và đôi khi vô tình để sót dăm sợi tóc trên áo. Chị biết các cô gái trong các quán karaoke không xài nước hoa bởi họ sợ để lại mùi hương khi người đàn ông trở về nhà. Anh bệnh, căn bệnh mà những người đã đến tuổi già thường mắc phải, đó là nhớ nhớ quên quên. Rồi anh lạc đường, anh quên đường về dẫu con đường ấy anh đã đi qua cả vạn lần. Anh vấp một rễ cây rồi ngã bên đường, mọi người chở anh đến bệnh viện và giờ đây anh nằm ở đó. Phương không dám gọi điện cho chị, chỉ nhắn tin qua Zalo: “Anh Hùng nằm ở phòng 302 bệnh viện X”. Đọc tin nhắn chị hiểu và chị đi thăm anh.
Chị nhớ Sài Gòn những ngày đó
Chị nhớ Sài Gòn những ngày đó, nhất là ngày gia đình anh đem trầu cau đến nhà chị cầu hôn dẫu trước đó anh và chị chưa hề biết mặt nhau. Đám cưới nhỏ xíu được tổ chức tại nhà với dăm hàng xóm, dăm bạn thân. Bộ đồ vest anh mặc, chiếc áo dài chị mặc đều là mượn, bởi anh và chị là 2 đứa trẻ mồ côi, ở nhờ nhà họ hàng và ai cũng muốn cả hai thoát ra khỏi nơi chốn của họ. Ngày đó, chị chưa yêu anh nhưng anh cho chị sự tin cậy rất rõ ràng. Chị và anh mỗi người có một giấc mơ và dẫu cuộc sống vô cùng khó khăn. Cả hai cùng quyết tâm để người mình yêu thực hiện giấc mơ riêng. Anh mơ trở thành bác sĩ bởi ngày đó anh sinh ra và lớn lên ở vùng cát trắng với những cơn nắng chói chang. Thế là chị tạm ngưng học, mở hàng cơm gần ga xe lửa để có tiền cho anh thực hiện giấc mơ. Anh cũng chịu khó, buổi tối lại chạy xe ôm, có khi rạng sáng đã ra ga xe lửa để kiếm một hai cuốc xe. Khi đã quyết tâm thì giấc mơ cũng thực hiện được, để những giọt nước mắt hạnh phúc lăn tròn trên đôi má đôi vợ chồng vào ngày anh tốt nghiệp. Anh là bác sĩ nội khoa giỏi. Chẳng bao lâu anh đã mở một phòng mạch ngoài giờ, tạo điều kiện cho chị đi học tiếp để lấy mảnh bằng cô giáo mầm non. Chị thực hiện giấc mơ cho anh và anh thực hiện giấc mơ cho chị. Giữa thành phố đông đúc ấy, anh và chị nương nhau, yêu thương nhau, tạo dựng một ngôi nhà nhỏ, có 2 đứa con dễ thương để chăm sóc. Chị hài lòng với điều mình đã có. Chị đi làm trên chiếc xe máy nhỏ. Chiếc xe ấy theo chị bao nhiêu năm và giờ vẫn chạy tốt. Anh muốn thay cho chị một chiếc tay ga chạy nhẹ nhàng và tốt hơn, nhưng chị bảo chị không thích thay đổi. Chị không thích thay đổi bất cứ thứ gì.
Chị phát hiện anh và Phương đã có 1 đứa con riêng
Một hôm, gió đông lùa qua phố, thỉnh thoảng có những cơn mưa rào chạy quanh trên những con đường, một cô giáo dạy cùng trường gọi cho chị: “Hùng nhà bà đang cặp bồ với con bé thực tập sinh”. Chị nghe mà không thắc mắc. Phương thua anh gần 20 tuổi. Cô bé xinh xắn và dễ thương, nói chung là chị ấn tượng tốt về Phương. Có đôi lần Phương ghé nhà chơi, mang cho chị ít trái cây làm quà. Chị chẳng bao giờ nghi ngờ chuyện Phương và chồng mình. Nhưng trên thế gian này có chuyện gì là không thể? Chị rất sợ bệnh viện. Chị gọi taxi. Giờ thì chị không đi được chiếc Chaly nữa rồi, đành để nó ở góc nhà gọi là kỷ niệm. Chị mang cho anh một ít mứt chùm ruột theo cách chế biến của chị. Anh rất thích món này. Dù gì anh và chị đã thuộc về ký ức, những ký ức không thể xóa nhòa như những đêm chị ngồi đợi anh về, còn anh thì dầm mưa cố kiếm thêm một cuốc xe. Đó là khi thèm ăn phở, họ kêu một tô để ăn chung. Đó là chuyến du lịch đầu tiên của họ ở một thành phố biển, lần đầu tiên họ được ở trong một khách sạn sang trọng. Anh không hề hứa với chị điều gì, chỉ là cần mẫn cùng chị trong quãng đời tuổi trẻ để nuôi 2 đứa con ăn học. Anh cũng chẳng bao giờ làm điều gì khiến chị phật lòng, chẳng dành riêng phần cho mình. Anh hoàn hảo cho đến khi chị phát hiện anh và Phương đã có 1 đứa con riêng. Thỉnh thoảng anh không về nhà, lấy lý do là trực cơ quan. Thỉnh thoảng anh nhận được tin nhắn rồi vội vã mặc quần áo mà đi. Chị chẳng truy hỏi anh. Chị giả vờ không biết dù trái tim chị đã vỡ rạn. Chị đợi đến ngày Tịnh – đứa con trai út – lấy vợ. Chị không muốn con cái mình trong hôn lễ phải lẻ đôi ba mẹ. Chị không dành phần cho mình. Chị không cần thứ gì ngoài anh nhưng khi chị đã buông anh thì mọi thứ đều không cần thiết. Chị để căn nhà lại cho anh. Anh không nhận, cuối cùng giải quyết bằng cách bán đi rồi cho các con. Anh về với Phương, còn chị về với con trai út. Tịnh xây riêng một căn phòng cho mẹ mình. Căn phòng có ô cửa sổ nhìn ra con phố, nơi ngã tư đèn xanh đèn đỏ. Đôi khi nhìn dòng người đứng đợi ở ngã tư cũng là cách giải tỏa ưu phiền.
Chị và Phương trong căn tin bệnh viện
Chị và Phương ra căn tin bệnh viện. Hai người đàn bà thuộc 2 thế hệ cùng ngồi trong ánh nắng chiếu qua cửa kính, ném xuống bàn những vệt vàng nhảy múa. Chị kêu cà phê đen. Chị vẫn thích uống cà phê đen với một ít đường, đặc biệt là cà phê phải pha bằng phin. Bởi với chị, chờ đợi từng giọt cà phê rơi xuống là một sự chờ đợi vô cùng hạnh phúc. Phương lấy chiếc phin ra, bỏ đường vào ly cho chị, vừa đủ theo ý chị. Chị nắm bàn tay cô gái ấy. Bàn tay nổi lên những sợi gân xanh nhưng vẫn là một bàn tay đẹp. Bàn tay đó đã thay chị trải drap, treo mùng và nấu những bữa cơm cho anh. Không biết anh đã quen với những bữa cơm Phương nấu chưa… Bé Ngọc chơi quanh đó chợt chạy ùa vào lòng mẹ. Con bé rất xinh, xòe đôi mắt tròn nhìn chị: “Con chào cô ạ”. Chị lấy trong túi xách ra tờ đơn ly hôn chị đã ký, đưa cho Phương: “Cái này em đưa cho anh Hùng nhé. Hai người đăng ký kết hôn đi để con bé có cha”. Chị về. Phố nhẹ tênh những bước chân mà chị có cảm giác như mình vừa bước qua một ngọn núi.
Nguồn thông tin được tham khảo từ: huengaynay.vn
Nội dung được biên tập, sáng tạo thêm bởi: thuathienhue.org