Miệt mài tìm cái mới

HNN – Với “bệ đỡ” là đội ngũ giáo viên uy tín và tài năng, hiện nay, các nghệ sĩ trẻ được hun đúc từ Trường Đại học Nghệ thuật (Đại học Huế) ngày một trưởng thành nhanh với những nét riêng vượt lên khuôn mẫu cũ, tạo cho mình những chân trời nghệ thuật sớm có dấu ấn trong lòng người hâm mộ.

Chiêm ngưỡng tác phẩm của tác giả trẻ sinh năm 2009 Hoàng Thanh Khiêm 

Họa sĩ Lê Việt Trung (sinh 1982), giảng viên Khoa Mỹ thuật Tạo hình, chia sẻ: “Tôi thích vẽ từ nhỏ bởi có người anh bà con ở trong nhà vẽ rất đẹp. Được ba cho đi học vẽ, tham gia các đợt thi vẽ ở các lớp năng khiếu tại nhà thiếu nhi các cấp, rồi gắn liền với mỹ thuật đến bây giờ”. Hội họa đến với anh Trung tưởng như “duyên trời định” nhưng thật ra là bởi môi trường sống. Bởi vậy, khi chọn Huế để phát triển, anh đã trưởng thành nhanh chóng. Trong thời gian theo học thạc sĩ ngành Nghệ thuật Thị giác tại Trường Đại học Mahsarakham Thailan, anh tìm tòi thử nghiệm các chất liệu khác nhau trên lụa truyền thống, như bút chì, phẩm nhuộm, mực nho… thử nghiệm tách tranh lụa thành nhiều lớp, để ánh sáng xuyên qua tầng tầng hình ảnh và những mảnh vải cuộn vào trong, giúp cho lụa trở nên sống động hơn. Từ các thử nghiệm đó, anh sáng tác nhiều tác phẩm với phong cách độc đáo.

“Có nhiều tác phẩm thất bại, nhưng đó là con đường dẫn đến những tác phẩm thành công. Những thử nghiệm này giúp mình kích thích sự thích thú và sáng tạo, tạo thành một Việt Trung hôm nay”, anh Trung cho biết. Với những tác phẩm làm bằng lụa, anh Trung đã đạt được nhiều giải thưởng, như giải Tác phẩm nghệ thuật xuất sắc 2010 – Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (tác phẩm “Con trai 01”); tác phẩm bút sắc trên lụa “Người bạn” đạt giải Khuyến khích Festival Mỹ thuật trẻ 2014…

Giành giải tranh cổ động cuộc thi phòng, chống bom mìn tại tỉnh Quảng Trị là một kỷ niệm ban sơ của Phan Lê Chung (giảng viên Trường Đại học Nghệ Thuật Huế), mở đầu cho “mối duyên tình” giữa anh với mỹ thuật. Sự giao lưu ba miền Huế – Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh sau đó trong các cuộc hội ngộ nghệ thuật trên mảnh đất Cố đô đã khiến Phan Lê Chung thành họa sĩ lúc nào chẳng hay. Say mê và cầu thị, anh luôn tìm tòi hướng đi mới. Trong dự án mỹ thuật cộng đồng “Câu chuyện của dòng sông”, họa sĩ Phan Lê Chung đã sử dụng nghệ thuật photo – voice để kể lại những điều ẩn giấu bên trong dòng sông Hương thông qua những bức ảnh được chụp bởi chính những người dân vạn đò, những học sinh, sinh viên và những nhiếp ảnh gia trẻ ở Huế.

“Tôi chọn chất liệu nhiếp ảnh vì nó ghi lại được những hình ảnh trực tiếp mang tính thời sự. Tôi phổ biến những kiến thức cơ bản, đa phần là cách sử dụng thiết bị chụp ảnh với nhóm học sinh ở Trường Tiểu học Vân Quật Đông, nhóm cư dân vạn đò, còn các nhóm như nghệ sĩ, sinh viên thì họ cũng đã có kiến thức về nhiếp ảnh, rồi nhờ chính những người này chụp lại những bức ảnh về dòng Hương”, anh Chung chia sẻ. Sự “phối hợp ăn ý” giữa hình ảnh và âm thanh đã cho anh những sản phẩm mang đầy tính sáng tạo, kết thúc bởi một triển lãm thu hút đông đảo người thưởng lãm.

Họa sĩ Phan Lê Chung nhận xét: “Các họa sĩ trẻ ở Huế rất năng động, sáng tạo trong việc tìm kiếm chất liệu mới trong những thể nghiệm sáng tác. Không chỉ khám phá kỹ thuật chất liệu trên mặt toan mà còn thể nghiệm ở nhiều chất liệu nghệ thuật đương đại như sắp đặt, trình diễn, video art…”.  Điều họa sĩ Chung nhận xét cũng dễ hiểu bởi môi trường học thuật ở Huế khá đậm đặc. Nhiều thế hệ nghệ sĩ chọn Huế vì sự thơ mộng, lãng mạn của đất và người xứ này, nhịp sống của Huế cũng chậm nhưng là nhịp chậm của thâm trầm, lắng đọng.

Không riêng họa sĩ Việt Trung hay Lê Chung, nhiều tác giả trẻ khác của Cố đô trong hành trình nghệ thuật của mình đã sớm gặt hái thành quả. Tác phẩm của họ độc đáo, đa dạng hơn với các hình thức, chất liệu mới như nghệ thuật sắp đặt, nhiếp ảnh tạo hình, video art, đồ họa trúc chỉ, đồ họa in ấn, paperblock, mica sắt hàn… Các họa sĩ trẻ của Huế luôn miệt mài nghiên cứu, tìm tòi, thể nghiệm với nhiều thể loại khác nhau, đem lại cái nhìn mới lạ với những góc nhìn sâu sắc từ nhiều phía.

Theo thống kê của họa sĩ Lê Bá Cang – Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Huế, một số triển lãm cá nhân có sự đổi mới trong nghệ thuật đáng lưu ý có thể kể đến “Giao cảm” – 2013 của họa sĩ Đặng Thu An; “Vọng lạc” – 2015, họa sĩ Nguyễn Phúc Quý; “Lời thì thầm” – 2016, họa sĩ Phan Lê Chung; “The Scars” – 2012, “Ngày qua ngày” – 2015 của họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai… Họa sĩ Cang cho rằng, mỗi triển lãm đều có những dấu ấn cá nhân từ sự nỗ lực tìm tòi cái mới lạ, là những giá trị nghệ thuật vô cùng đáng trân trọng.

Bài, ảnh: Phước Châu

About Võ Thị Thủy Tiên

Check Also

Về Huế ăn bánh ướt – bún thịt nướng Kim Long

Có một địa chỉ ẩm thực mà lần nào đến Huế tôi cũng ghé, đó …