Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn chiều 16/3. Ảnh: TTXVN
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn. Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, tham dự có Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Sửu cùng các đại biểu quốc hội và đại diện các sở, ngành liên quan.
Nhiều khó khăn trong quản lý đất đai
Chất vấn Bộ trưởng Trần Hồng Hà, nhiều đại biểu băn khoăn về việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; cần làm rõ và có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với công trình xây dựng đa năng có kết hợp chức năng lưu trú; xác định rõ phạm vi áp dụng dự án theo hình thức xây dựng – chuyển giao và nghiên cứu phương án đấu giá quyền sử dụng đất để thanh toán trực tiếp cho các công trình hạ tầng đầu tư theo hình thức xây dựng – chuyển giao…
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ và thống nhất, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện. Đến nay, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh vẫn đang trong quá trình lập nhiệm vụ hoặc lập quy hoạch nên các nội dung liên quan đến quản lý và sử dụng đất tại đô thị sẽ khó khăn, bất cập. Tình trạng lấn, chiếm đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp; tự ý phân lô, bán nền không đúng quy định theo pháp luật đất đai, xây dựng; thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất không đúng quy định (như quy định về đăng ký biến động, điều kiện về nhận chuyển quyền sử dụng đất) vẫn diễn ra.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu các giải pháp như, cần sửa đổi Luật nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các luật khác có liên quan bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật về đất đai, quy hoạch đô thị và xây dựng, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai. Quốc hội sớm quyết định quy hoạch tổng thể quốc gia làm cơ sở, căn cứ cho việc lập quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; rà soát các quy hoạch có sử dụng đất theo hướng bảo đảm phù hợp, đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, bảo đảm tính hệ thống, liên kết, đồng bộ, kế thừa và ổn định giữa các quy hoạch…
Ngăn chặn trục lợi trong đấu giá đất
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tại một số địa phương đã xuất hiện hiện tượng “cò đấu giá”, “quân xanh – quân đỏ”, để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra và tình trạng “xã hội đen” đe dọa cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá phải xin rút hồ sơ. Có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tạo mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã trúng đấu giá khác hoặc bán ra các lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi. Một số nơi có hiện tượng thông đồng giữa tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá để “dìm giá”…
Giải trình các thắc mắc của đại biểu quốc hội, Bộ trưởng Hà cho rằng, cần thống nhất về mặt nhận thức trong công tác định giá đất. Giá đất trúng đấu giá là giá đặc thù, cá biệt. Do đó, cần cân nhắc kỹ khi coi giá đất trúng đấu giá là thông tin đầu vào để xác định giá đất cụ thể; cần tổng kết, đánh giá sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó chú trọng quy định cụ thể về đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất; cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan liên quan
Về việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này. Trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến “hứa mua, hứa bán” trong Luật Kinh doanh bất động sản, Bộ Luật Dân sự và các luật khác có liên quan để khắc phục các tồn tại nêu trên; cân nhắc việc quản lý các giao dịch về đặt cọc về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo hình thức bắt buộc phải đăng ký để nhà nước quản lý; các cơ quan có liên quan cần rà soát hệ thống quy định pháp luật nhằm đưa ra các giải pháp để quản lý.
Vấn đề thu gom rác thải được nhiều đại biểu quan tâm.Ảnh: L.T
Kiểm soát hoạt động xả thải
Về kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp; ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát hoạt động xả thải của các KCN, CCN và tìm giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại các địa phương.
Đối với chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, mặc dù Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương đều đã có hướng dẫn rất cụ thể về việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh đối với người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà. Tuy nhiên, thực tế việc phân loại, thu gom, xử lý rác thải, chất thải của người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà chưa được quan tâm đúng mức. “Để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để hỗ trợ, hướng dẫn trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để phòng tránh dịch bệnh và an toàn môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Lê Thọ