Hàng dệt may vào thị trường châu Âu (EU) phải có tuổi thọ cao, có thể tái sử dụng và sửa chữa được. Để đạt được tiêu chuẩn này, các nhà sản xuất phải sử dụng sợi tái chế, không chứa chất độc hại, thân thiện với môi trường. Khi hàng dệt may không còn sử dụng được, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu hồi và tái chế, hạn chế tối đa việc đốt và chôn lấp các sản phẩm. Tất cả những thông tin trên phải được nhà sản xuất cung cấp cho người tiêu dùng thông qua việc gắn hộ chiếu kỹ thuật số cho từng sản phẩm… Đó là những đề xuất mới của Ủy ban châu Âu (EC) về tiêu chuẩn sinh thái áp dụng đối với hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường này (theo trungtamwto.vn).
Khi đọc thông tin này, dù rất ủng hộ xu thế tiêu dùng xanh của thị trường châu Âu, nhưng quả thật tôi thấy rất lo cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trước những yêu cầu mới này. Thực tế ở nước ta, những năm gần đây ngành dệt may phát triển khá mạnh, với kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng, giải quyết việc làm cho hàng chục triệu lao động (năm 2021 kim ngạch xuất khẩu đạt 39 tỷ USD). Với Thừa Thiên Huế cũng vậy, từ chỗ chỉ có 1 nhà máy sợi Thủy Dương, đến nay đã phát triển thành một ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, với vài chục nhà máy dệt, nhuộm, may rải khắp địa bàn tỉnh. Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, mà còn có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài như HBI, Scavi… Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2022, trong tổng số 295,8 triệu USD kim ngạch xuất khẩu của tỉnh thì hàng may mặc ước đạt 120,2 triệu USD; xơ, sợi dệt các loại ước đạt 92,9 triệu USD (chiếm khoảng 72% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh).
Để có bước phát triển mạnh mẽ này, ngoài sự quan tâm của Nhà nước, các doanh nghiệp đã có những nỗ lực vượt bậc nhằm tranh thủ những lợi thế từ những hiệp định thương mại thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết; trong đó có hiệp định WTO, EVFTA. Để thâm nhập các thị trường giàu tiềm năng nhưng cũng rất khắt khe này, ngành dệt may đang nỗ lực cơ cấu lại, đổi mới công nghệ để đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Chẳng hạn, để đáp ứng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, ngành dệt may chú trọng phát triển chuỗi sản xuất từ sợi, dệt, nhuộm đến cắt may; đồng thời đầu tư các nhà máy nguyên phụ liệu để đáp ứng quy tắc xuất xứ. Đặc biệt, trong xu hướng tiêu dùng “xanh” hiện nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu “xanh hóa” với kế hoạch đến năm 2023, giảm 15% tiêu thụ năng lượng, 20% tiêu thụ nước; đến năm 2030, chuyển đổi “xanh hóa” ngành dệt may, đồng thời xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.
Tuy nhiên, trước các đề xuất mới của EC về các tiêu chuẩn sinh thái áp dụng cho nhiều loại hàng hóa, trong đó có hàng dệt may, buộc ngành dệt may phải nhanh chóng thay đổi để đáp ứng quy định sinh thái khi tiêu thụ tại thị trường EU. Dù đã có những bước chuyển tích cực trong việc “xanh hóa” hàng dệt may, nhưng rõ ràng với những quy định mới của EC không phải các doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, chuyên may gia công. Chẳng hạn, với quy định hàng dệt may không còn sử dụng được, nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm thu hồi và tái chế, các doanh nghiệp nhỏ không thể nào đáp ứng được. Vì vậy, cần vai trò kết nối của Hiệp hội Dệt may và sự liên kết của các doanh nghiệp, nhất là sự hỗ trợ của các doanh nghiệp lớn có đủ năng lực, hệ thống phân phối, thu hồi sản phẩm không còn sử dụng.
Trong xu hướng tiêu dùng “xanh hóa” hiện nay, không chỉ hàng dệt may mà còn nhiều mặt hàng khác cũng sẽ phải chuyển hướng sản xuất, đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường các nước phát triển và cũng vì lợi ích của toàn cầu. Vẫn biết, mọi sự chuyển đổi cần phải có quá trình và cần nguồn lực đầu tư lớn, nhưng trong “sân chơi” toàn cầu không có sự nhân nhượng, chậm chân sẽ thiệt thòi, thậm chí là bị đào thải. Đó là xu hướng không thể cưỡng lại.
Hoàng Minh