Phát huy mô hình thu gom xử lý rác thải độc hại cũng rất cần sự chung tay, chia sẻ của người dân
Còn lúng túng
Ông Nguyễn Văn H. (P. Thủy Châu, TX. Hương Thủy) vừa khỏi F0 điều trị tại nhà cho biết, lượng rác thải sinh hoạt gia đình những ngày qua tăng hơn so với bình thường. Lý do dễ hiểu là khi mắc F0 điều trị tại nhà thì cần bổ sung, tăng cường nhiều thực phẩm, thức ăn hoa quả cho cơ thể để chóng khỏe. Khá nhiều trường hợp như ông H. ở địa phương này đã mắc F0 và điều trị tại nhà. Trong khi đó rác thải từ F0 này vẫn tập kết theo cách truyền thống – mang các túi rác đã gói lại để ở cổng rồi nhân viên môi trường đến thu gom.
Theo anh Hoàng Văn T. (KQH Bàu Vá, P. Thủy Xuân, TP. Huế), khá nhiều gia đình trong khu vực anh đã dính F0 và tự điều trị tại nhà. Việc xử lý rác thải sinh hoạt của họ do người thân trong gia đình chủ động. Anh T. nói, không rõ mọi gia đình khác xử lý thế nào, riêng gia đình anh vừa có người thân mắc F0 điều trị tại nhà lại lúng túng rồi quyết định gom tất cả các loại rác cho vào túi ni lông buộc chặt miệng và tập kết trước cổng nhà để nhân viên môi trường đến thu gom mỗi chiều.
Khi đề cập khâu thu gom rác này của nhân viên môi trường, anh T. cho rằng qua quan sát thấy họ vẫn theo quy trình thông thường – thu gom vào xe đẩy đưa đến điểm tập kết tại thùng rác cố định như trước đây…
Theo chuyên gia y tế, rác thải từ các F0 hay của người chăm sóc đều được xem là rác thải có nguy cơ lây nhiễm, được xử lý theo dạng chất thải nguy hại. Bộ Y tế đã thống nhất tất cả rác thải của các gia đình có F0 điều trị tại nhà cần phải buộc vào các túi nilon riêng. Rác thải sau đó phải được phun khử khuẩn và mang ra điểm tập kết để nhân viên thu gom, vận chuyển, bàn giao đến các đơn vị xử lý rác thải với giải pháp an toàn, tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.
Chất thải y tế lây nhiễm
Hiện nay, việc điều trị F0 không triệu chứng đã được UBND tỉnh thống nhất điều trị tại nhà. Vì vậy, rác thải phát sinh trong quá trình cách ly, điều trị của các F0 tại nhà làm phát sinh lượng rác thải y tế khá lớn. Ở một số vùng, địa bàn xa và những khu vực ven đô 2-3 ngày mới có nhân viên đi thu gom nên tồn đọng lượng rác khá lớn dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng cao.
Mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản quy định, tất cả chất thải phát sinh của người nhiễm COVID-19 được xem là chất thải lây nhiễm và quản lý theo quy định về chất thải y tế lây nhiễm, quy định tại Điều 62 Luật Bảo vệ môi trường 2020. Chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của người F0 quản lý tại nhà và khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 thải bỏ, được coi là chất thải lây nhiễm, phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi; bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ: “Chất thải có nguy cơ chứa vi rút SARS-CoV-2”. Chất thải sau khi được phân loại và dán chữ, được thu gom vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng, buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào túi đựng chất thải lây nhiễm màu vàng thứ 2, buộc kín miệng túi; sau đó bỏ vào thùng thu gom chất thải màu vàng, bên ngoài thùng có biểu tượng cảnh báo chất gây bệnh…
Theo văn bản trên, Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm phát sinh tại nhà đối với người nhiễm COVID-19. Các tổ chức, đơn vị liên quan cần phối hợp với huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng nhiều hình thức để người dân nắm bắt, thực hiện các hướng dẫn trong phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm phát sinh tại các gia đình có người cách ly, điều trị F0 tại nhà đúng quy định, không bị động…
Bài, ảnh: Song Minh