Vui… một nửa

Xăng dầu đã giảm hơn 10%. Xăng dầu liên quan đến tất thảy mọi người nên ai cũng vui. Người đi xe thấy túi tiền mình bớt vơi khi đổ xăng dầu. Người đi xe đạp với số tiền như vậy cũng mua thêm được một quả trứng. Thậm chí người nằm ở nhà cũng cảm nhận được qua từng bữa ăn, bởi xăng dầu là một yếu tố đầu vào tác động đến giá. Hàng hóa được vận chuyển khắp nơi. Giá xăng dầu giảm làm cho giá thành hàng hóa giảm.

Về nguyên lý là vậy nhưng cũng không mong hàng hóa giảm ngay được. Một khi hàng hóa đã lên, thiết lập một mặt bằng mới thì khó giảm ngay được. Người dân luôn tiếp cận thị trường bán lẻ. Nhưng thị trường ở ta là vậy, hay “tát nước theo mưa”. Ví dụ một khi lương ở khu vực Nhà nước tăng, thực ra là cũng chỉ đủ bù trượt giá nhưng ngay lập tức, phản ứng ở các chợ là hàng hóa tăng. Cho nên có khi tăng lương cũng như không.

Nhưng thị trường không thể neo giá cao mãi được. Nó sẽ tự điều chỉnh về mức hợp lý. Tính cạnh tranh của thị trường sẽ làm điều này. Cho nên, vui thì vui với việc đổ xăng dầu trực tiếp chứ chưa hẳn vui vì hy vọng hàng hóa sẽ giảm. Chúng ta kiên trì chờ độ trễ của thị trường.

Nhưng vui nhất là ai? Chắc chắn là các hãng vận tải. Từ vận tải bộ, vận tải biển, vận tải hàng không. Thị trường sẽ tự điều tiết nhưng về mặt quản lý Nhà nước, với vai trò điều tiết, Nhà nước cũng có quyền can thiệp. Xăng dầu đã giảm hơn 10% thì các hãng vận tải cũng cần giảm theo. Không được 10% thì cũng vài % để cùng Nhà nước hỗ trợ nền kinh tế và đời sống của người dân. Đó được gọi là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Chính phủ can thiệp giảm giá xăng dầu với mục tiêu hỗ trợ đời sống của người dân và nền kinh tế. Nhưng để đạt được mục tiêu, ngoài sự điều tiết của thị trường thì trong những trường hợp cấp bách cũng cần sự can thiệp về mặt hành chính. Hãy đặt câu hỏi: giá xăng dầu giảm tại sao giá vận tải hàng hóa không giảm? Giá xăng dầu chiếm tỷ trọng bao nhiêu % của yếu tố đầu vào? Khi giá xăng dầu tăng thì anh “kêu” để Chính phủ can thiệp. Nhưng khi giá xăng dầu giảm thì anh tách chính quyền ra một bên, doanh nghiệp ra một bên là điều không hợp lý. Chính lúc này, rất cần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Người dân, hay gọi chung là người tiêu dùng cũng có một quyền tối thượng trong việc chi phối này. Bằng cách, thấy giá cả không hợp lý thì giảm chi tiêu. Tổng cầu giảm thì tổng cung sẽ giảm. Đây là một biện pháp để điều chỉnh giá cả hàng hóa về mức hợp lý.

Nhưng nói chung, giải pháp nhanh nhất là tạo áp lực lên các đơn vị vận tải giảm giá. Một câu hỏi được nêu ra là lý do vì sao yếu tố đầu vào đã giảm nhưng giá vận tải, hàng hóa không giảm? Ai nêu? Nhà nước nêu, người tiêu dùng nêu, báo chí nêu…

Xăng dầu là một trong những yếu tố đầu vào của nền kinh tế. Xăng dầu đã giảm nhưng hàng hóa và dịch vụ chưa chắc đã giảm. Nói vui nhưng vui một nửa là vậy. Nếu chúng ta đồng thời tìm nhiều giải pháp để tác động thì độ trễ của sự điều chỉnh giá càng rút ngắn. Và vì vậy, mục tiêu của Chính phủ trong việc can thiệp để giảm giá xăng dầu hỗ trợ cho doanh nghiệp và đời sống của người dân càng nhanh đạt mục đích hơn.

Nguyên Lê

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Một học sinh đuối nước trên sông Bồ

Lực lượng chức năng triển khai công tác cứu hộ- ảnh PCCC Khoảng 9 giờ …