Các tập thể, cá nhân cựu chiến binh có thành tích xuất sắc được tặng bằng khen
Những điển hình
Cứ ngỡ, chủ nhân của gia trại nuôi heo nái, heo thịt, gà, vịt ấy lúc nào cũng phải trong tình trạng tất bật. Nhưng bên bộ bàn ghế đặt nơi sân nhà, CCB Phạm Huy Chương (xã Vinh An) thong thả nhâm nhi chén trà. Ông Chương cười bảo, phải biết sử dụng kiến thức, để vừa phát triển kinh tế hiệu quả, vừa giải phóng sức lao động. Hồi trước, khi còn buôn bán mặt hàng ăn, uống, vợ chồng ông thức đêm thức hôm, rất vất vả. Sau khi tính toán, suy nghĩ kỹ càng, ông quyết định đầu tư vào gia trại.
Đầu tiên, ông Chương tham gia khóa đào tạo về ngành thú y, do xã Vinh An tổ chức, đồng thời lên mạng tìm hiểu, để trang bị kiến thức về phòng, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. Vốn liếng tích lũy được từ buôn bán, ông Chương đầu tư xây chuồng trại, trang bị đầy đủ các hệ thống tiện ích tự động, để việc ăn, tắm, vệ sinh môi trường cho gia súc, gia cầm đảm bảo “bài bản”, không tốn sức người. Vậy nên, mỗi ngày vợ chồng ông Chương chỉ cần 4 tiếng đồng hồ, là có thể “trọn vẹn” tất cả các khâu chăm sóc đàn gia súc, gia cầm.
“Tôi nuôi heo nái để lấy giống nuôi heo thịt. Nếu thiếu thì mới mua thêm ở ngoài. Đàn heo thịt vài chục con, tăng dần lên trăm con, khi “cao điểm” nhất, tăng lên 300 con trong 1 năm. Đàn gà, vịt có lúc lên đến 3 nghìn con. Sau một thời gian, vợ chồng tôi “kiêm” luôn cung cấp thức ăn gia súc, gia cầm cho người chăn nuôi trên địa bàn” – ông Chương kể, cùng với vốn liếng tích cóp, qua “kênh” CCB, ông vay vốn từ Ngân hàng Chính sách, đồng thời mạnh dạn thế chấp tài sản vay thêm tiền để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Mỗi năm, lãi ròng từ những đàn heo, gà, vịt khoảng 100 triệu đồng; từ kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm khoảng 300 triệu đồng.
CCB Võ Chót (Vinh An) đã nỗ lực, quyết tâm trên “con đường” vươn lên làm giàu bằng hoạt động kinh doanh, thu mua, sơ chế hải sản, cung cấp ra thị trường. Đầu tiên, ông Chót chỉ thu mua hải sản của bà con ngư dân Vinh An và các xã ven biển trên địa bàn tỉnh, sơ chế, cung cấp ra tỉnh khác. Nhanh nhạy trong tạo các mối quan hệ làm ăn, trong tìm hiểu thị trường, ông Chót nắm bắt cơ hội, mở rộng hoạt động kinh doanh. Từ 1 chiếc xe đông lạnh và 1 xưởng sơ chế hải sản tại quê nhà, bây giờ ông Chót “nắm trong tay” 5 chiếc xe đông lạnh với chuỗi xưởng sơ chế hải sản trên nhiều tỉnh, thành; thu mua, sơ chế và cung cấp hải sản tươi ngon ra thị trường trong toàn quốc.
Ở xã Phú Gia, CCB Đỗ Viết Sáu làm chủ 20 lồng cá, mỗi năm thu hoạch 1 lần (nuôi từ tháng 2, đến tết xuất bán), lãi ròng vài trăm triệu đồng. CCB Bạch Lêm, CCB Nguyễn Thạch vay vốn qua “kênh” CCB, đồng thời đầu tư thêm, mua máy gặt đập liên hợp, phục vụ nhu cầu sản xuất trên địa bàn và “đi ra” các tỉnh khác…
Góp phần xây dựng quê hương
Theo ông Hồ Minh Dũng, Chủ tịch Hội CCB huyện Phú Vang: Nhiệm kỳ qua, huyện có trên 200 hội viên CCB làm kinh tế giỏi. Có nhiều mô hình hiệu quả như mô hình hợp tác xã mộc mỹ nghệ của hội viên Nguyễn Công Luyện (Vinh An); mô hình nuôi tôm, cá, cua xen ghép, dịch vụ kinh doanh thức ăn cho thủy sản của hội viên Nguyễn Công Tin (Vinh Thanh) và nhiều hội viên trên địa bàn huyện; hàng năm tạo việc làm cho trên 150 lao động CCB và con em CCB, cựu quân nhân.
Đặc biệt, Hội CCB huyện đã thành lập Chi hội Doanh nhân – Chủ trang trại CCB huyện gồm 28 thành viên. Các thành viên đã liên kết, giúp đỡ nhau tổ chức các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Theo đó, toàn huyện hiện có 205 mô hình kinh tế trang trại, gia trại, nuôi trồng thủy, hải sản, trồng lúa tập trung, kinh doanh thủy, hải sản, vật liệu xây dựng, trang thiết bị điện, nước, dịch vụ du lịch, sản xuất kinh doanh mộc mỹ nghệ…
Thông qua phong trào thi đua, các cấp hội luôn quan tâm chăm lo đời sống cho hội viên CCB. Các cấp hội đã phối hợp với cơ quan, ban, ngành các cấp quyên góp, ủng hộ xóa 6 nhà tạm và 4 nhà dột nát cho CCB với tổng số tiền 350 triệu đồng. Ngoài ra còn vận động cán bộ, hội viên, mạnh thường quân giúp đỡ tiền, quần áo, chăn màn, lương thực, thực phẩm, hóa chất, vật tư y tế,… cho các gia đình CCB có hoàn cảnh khó khăn, CCB bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt và đại dịch COVID-19 với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng.
Hội đã xây dựng và ban hành Kế hoạch “CCB Phú Vang chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm an sinh xã hội”. Kết quả trong 5 năm đã có hàng trăm CCB tham gia với gần 1.700 ngày công. Các hội viên hiến gần 40.000m2 đất, chặt bỏ gần 13.000 cây các loại để mở đường liên thôn, liên xóm. Gần 16.000 lượt cán bộ, hội viên và Nhân dân làm vệ sinh nơi công cộng, tham gia phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”. Hội viên CCB trên toàn huyện ủng hộ xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh được gần 370 triệu đồng.
Nhiệm kỳ qua, đã có 265 tập thể và 382 cá nhân CCB được các cấp khen thưởng. Hội CCB huyện Phú Vang được UBND tỉnh tặng 1 Bằng khen; Trung ương Hội CCB VN tặng 2 Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc; Hội CCB tỉnh tặng 2 Bằng khen…
Bài, ảnh: QUỲNH ANH