Phương án nghỉ tết được cân nhắc phù hợp trên cơ sở đảm bảo người lao động được nghỉ ngơi nhưng vẫn kích thích phát triển kinh tế
Đề xuất này đã xin ý kiến của các bộ khác và theo thông tin thì một số bộ đồng ý với phương án 7 ngày. Riêng Bộ Tài chính thì thiên về phương án 9 ngày. Lý do của Bộ Tài chính là “nghỉ 9 ngày vẫn đúng quy định pháp luật, vừa hài hòa, phù hợp, tạo điều kiện để công chức, viên chức chủ động có thời gian nghỉ ngơi, đoàn tụ bên gia đình, đặc biệt là người đi làm xa”.
Nếu đúng quy định của pháp luật, nghỉ 7 ngày hay 9 ngày đều tốt với người lao động trong bộ máy Nhà nước. Trước sự phát triển kinh tế, xã hội ngày càng tăng, tức là khối lượng công việc hành chính cần giải quyết càng nhiều. Đó là chưa nói đến áp lực thực hiện cải cách hành chính mạnh mẽ, đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế và người dân, doanh nghiệp. Cả một năm làm lụng vất vả, tâm lý chung của người lao động là muốn nghỉ càng nhiều càng tốt. Đã nghỉ ngơi, thăm thú, chơi bời… nghĩa là thời gian tự do không bị ràng buộc bởi công việc và sự quản lý lại được hưởng lương thì càng tốt hơn nữa. Vì những lý do này, cho nên, có lẽ hỏi 10 người lao động thì chắc số đồng ý nghỉ càng nhiều càng tốt cũng chiếm áp đảo, tức là thiên về 9 ngày.
Cho nên không thể thực hiện giải pháp “thả gà đuổi bắt” mà cần tham khảo ý kiến của các bộ chủ quản. Cũng là các bộ quản lý thực hiện các công việc hành chính nên các bộ này vừa có lý luận, vừa sâu sát thực tiễn công việc (tức là đồng ý có nghỉ ngơi – theo quy định số ngày nghỉ lễ của Nhà nước) nhưng cũng phải đảm bảo không, hoặc ít ảnh hưởng đến việc giải quyết công việc chung nhiều nhất. Vì thế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội mới xin ý kiến của các bộ, và các bộ cũng có những suy nghĩ khác nhau – bộ thì bảo 7, bộ thì bảo 9?!
Tạo điều kiện cho người lao động “có điều kiện nghỉ ngơi, đoàn tụ bên gia đình…” là điều đáng lưu tâm, nhưng có một điều cần đáng lưu tâm khác là nó có thể kích thích thúc đẩy phát triển kinh tế, đặc biệt là dịch vụ và kinh tế du lịch. Quan sát sẽ thấy, khi điều kiện kinh tế phát triển hơn, thu nhập của người lao động (nói chung) cao hơn, lương thưởng được nhiều hơn thì diễn ra một xu hướng, chi tiêu cho mua sắm, tiêu dùng các loại dịch vụ nhiều hơn, đi du lịch nhiều hơn… Tức là kích thích nhiều loại hình kinh tế phát triển – phương tiện đi lại, dịch vụ ăn uống, nơi ăn chốn ở, các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí. Đừng nghĩ chúng ta nghỉ nhiều thì nền kinh tế bị thiệt. Mà có thể nó theo chiều hướng ngược lại, tức là kích thích một số loại hình kinh tế phát triển để cân bằng lại hài hòa giữa cái được và cái mất. Nếu có một điều đáng chú ý thì khi nghỉ ngơi vẫn phải đảm bảo dịch vụ công cho một số công việc thiết yếu, không làm ngay, không giải quyết ngay là không được.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ “gút” lại phương án và trình Chính phủ quyết định. Đối với người lao động, 7 hay 9 ngày có lẽ đối với họ cũng không quá quan trọng nếu nhìn dưới góc nhìn chỉ để nghỉ ngơi, đoàn tụ. Họ sẽ sắp xếp được trong khung thời gian này mà không phải quá chi ly.
Khi đọc phương án đề xuất nghỉ tết của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, người viết cảm thấy có gì đó băn khoăn khi đề cập đến phương án nghỉ tết của “nhóm lao động khác”, tức là nhóm ngoài hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Nhóm lao động tự do thì có lẽ chúng ta không phải bàn vì quyền quyết định nghỉ hay không nghỉ, nghỉ bao lâu là do chính họ. Có khi bộ phận này chẳng những không nghỉ ngơi, mà còn làm việc cật lực để phục vụ tết cho người tiêu dùng. Điều đáng lưu ý là lực lượng công nhân lao động làm trong các công ty, xí nghiệp. Đây là một lực lượng hết sức đông đảo, lao động nặng nhọc và họ cần nghỉ ngơi nhiều nhất thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ lưu ý: “Người sử dụng lao động, doanh nghiệp căn cứ tình hình thực tế để bố trí lịch nghỉ Tết Quý Mão và nghỉ Quốc khánh 2023. Phương án nghỉ của doanh nghiệp phải công khai ít nhất 30 ngày trước khi thực hiện”.
Không phải đến năm nay doanh nghiệp mới có phương án nghỉ lễ. Họ đã rất có kinh nghiệm hài hòa giữa lợi ích của người lao động và chủ doanh nghiệp. Chúng ta cũng không băn khoăn về vấn đề này nhiều lắm. Nếu có một mong muốn nào đó thì Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nên định hướng cụ thể hơn để “đề phòng” những doanh nghiệp có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi nghỉ tết của người lao động.
Bài: NGUYÊN LÊ – Ảnh: HT