Vọng phận nơi cửa gió phai

Không đâu lá gió nhiều như thế. Những ngọn lá gió màu nâu bầm, xanh dương bợt, đỏ ối nhức buốt, trắng trong tang bồng. Những ngọn lá gió rưng rưng, xoay mòng, trì níu, kêu đòi, hoang hoải trong mộng mị vàng son. Những ngọn lá gió lầm bầm mất còn nơi những vòm cổng thành rêu xám như những đốm mắt hun hút đóng mở vào thinh không. Những ngọn lá gió như muôn mảnh hồn lả tả rụng xuống vệ đường, xuống mây nước Ngự Hà, Đông thành – Tây thành Thủy Quan, rụng trên nhật nguyệt ngũ cung.

Một số bức ký họa chì sáp của họa sĩ Đặng Mậu Triết tại triển lãm

Những ngọn lá gió ma mị ấy đã làm cho Kinh thành của Đặng Mậu Triết lạ hết sức. Anh đã từng vọng cấm thành bằng những khúc điệu nghê thường trong dồn dập sắc màu đặc Huế, những cảm hờn xanh vàng lục lam chàm tím trùng trùng thân phận ca kỹ chốn hoàng cung. Những lớp sắc màu có thể làm dậy lên vọng âm của bao nỗi hoan ca, niềm u uất, những khát khao đè nén, những tuyệt tình chay vay. Những vọng âm đã không ngừng bay trên muôn dặm tầng không, rợn ngợp từng trăm năm, thăm thẳm mà xao xác. Dưới những ngón tay tung tẩy cọ màu, “ngón xô từng gió rụng/ phụng hôn hoàng ngũ cung”, Đặng Mậu Triết đã dựng một cấm thành riêng cho mình thành chốn thực hành nghi lễ vọng phận tha nhân.

Giờ đây anh lại đắm mình những vòng quanh Thành nội, không phải bằng cảm thức cấm thành u uẩn mà dưới những cổng Kinh thành, những “tầng tháp cổ” ngợp trời lá gió. Cổng mở về lối xưa. Những vòm cổng nhỏ to, nghiêng lệch, u trầm, đôi khi soi bóng dạ cầu, đôi khi nghinh bóng trăng thượng huyền mê hoặc. Những hàng cây nghiêng bóng khẳng khiu hao gầy dọc bờ thành rêu phong hun hút. Chùm bông đại nở tươi vàng trên gốc thân xù xì trăm năm. Những chiếc ghe nhỏ trên sông ngự, mảnh như những thần hồn rơi lạc. Bóng xích lô oằn vai dốc cầu rời rã những cuộc người ngược xuôi, phải chăng là một cơn cớ khác của vọng phận đeo đẳng.

Giấy canson (giấy mỹ thuật) hóa ra là một chất liệu không thể phù hợp hơn cho bộ ký họa vốn cần những cảnh sắc vàng son quá vãng. Nền giấy trắng ngà ram ráp vân sọc (ganh) là chỗ cho chì sáp nhấn nhá, dù đậm hay nhòe mờ cũng vừa đủ cho những đứt gãy bên trong. Và màu nước cũng thỏa sức tung tẩy hiệp đồng với nền đen chì sáp, khi nổi bật, khi lui khuất. Đen nổi bật như cái lô cốt gần Quan Tượng Đài. Đen lui về cho bóng sáng lưng rồng ngoái nguyệt thượng huyền. Duyên nhất là màu vàng tươi cổng Hòa Bình hay Tam Tòa, màu đỏ nâu mái ngói cửa Chương Đức hay trên lầu Tứ Phương Vô Sự. Và rối bời, là những xanh dương bợt, hồng phai, đỏ ối, vàng tươi… của ngợp trời lá gió! Không đâu lá gió nhiều như thế.

Không dưng lá gió nhiều như thế. Như cách “phận phận về trùng trùng”, nơi cổng thành của Đặng Mậu Triết với những vằn vệt thức nhận đa tầng tiểu tự sự có lẽ chỉ mình anh biết. Từ Cấm thành Vọng Phận 5 năm trước cho đến Kinh thành, Hoàng thành bây giờ. Chao ôi những sơn dầu, màu nước, lụa là, chì sáp… trên hành trình nghệ thuật 40 năm, với những tiếp biến duy mỹ chất chồng, bao giờ cũng khởi sự từ một kêu đòi Vọng Phận.

Triển lãm cá nhân “Cửa gió phai” đánh dấu 40 năm hoạt động mỹ thuật của họa sĩ Đặng Mậu Triết, khai mạc chiều 18/3, tại Flamink Art Space (Khuôn viên Bộ Công triều Nguyễn xưa) 50 Nguyễn Chí Diểu – Huế.

Bài, ảnh: Phạm Nguyên Tường

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

BẢO TỒN NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ – TINH HÓA VĂN HÓA VIỆT NAM

Nhã nhạc cung đình Huế là một di sản văn hóa độc đáo của Việt …