Vinh Thanh, vùng sôi động bên biển

Chợ cá Vinh Thanh vào lúc sáng sớm. Ảnh: MC

Vinh Thanh – “nhất làng, nhất xã”

Khác với nhiều làng xã ven biển khác, xã Vinh Thanh hình thành từ một làng gốc duy nhất là làng Hà Thanh. Đây là một làng lớn, “nhất làng nhất xã”, tương đối ít trên đất Thừa Thiên Huế.

Khi mới thành lập gọi là phường Hà Thanh. Hà là sông, Thanh là xanh, có nghĩa là làng bên dòng sông xanh, cũng nhắc về nguồn gốc bản quán xứ Thanh. Làng Hà Thanh có bốn họ đến sớm nhất được thừa nhận là bốn họ khai canh, dân làng Hà Thanh đến nay vẫn nhắc: “Nhất Nguyễn, nhì Phan, tam Trần, tứ Đỗ”. Hiện các họ khai canh đã có 16 – 18 đời con cháu sinh sống tại làng.

Theo số liệu của Hội đồng chư tộc do cụ Phan Bá Do, thủ từ đình làng Hà Thanh cung cấp thì làng Hà Thanh có tất cả 63 dòng họ sinh sống. Đặc biệt, làng còn lưu giữ được 24 sắc phong cho các vị họ khai canh và khai khẩn.

Ven đầm phá hiện nay có ngôi đình Hà Thanh nằm bình yên với 4 trụ biểu phía trước, bức bình phong được khảm sành sứ rất đẹp và đặc biệt ấn tượng là đôi long mã ở tả hữu đình. Đình là điểm tâm linh nối kết 63 dòng họ. Thời kháng Pháp, đình làng chứng kiến sự hy sinh anh dũng của nhiều chiến sĩ cách mạng, tiêu biểu là Anh hùng liệt sĩ Trần Xuân Miễn – nguyên Đội trưởng Công an Danh dự huyện Phú Vang, quê làng Hà Úc, Vinh An. Trong một chuyến công tác vào tháng 2/1947, ông Trần Xuân Miễn bị địch bắt ở đồn Hà Thanh – Hà Úc. Mặc cho Pháp tra tấn, mua chuộc, dụ dỗ, đội trưởng Trần Xuân Miễn vẫn một mực không khai báo. Cuối cùng, giặc Pháp đã đưa ông ra đình làng Hà Thanh xử bắn. Trước mũi súng của kẻ thù, Anh hùng liệt sĩ Trần Xuân Miễn dõng dạc hô vang: “Việt Nam hoàn toàn độc lập muôn năm!”. Đó là khúc bi tráng trong lịch sử vùng đất này.

Vinh Thanh nằm giữa hai cửa biển Tư Hiền (phía nam) và Thuận An (phía bắc).Vinh Thanh cũng nằm giữa đầm Hà Trung và Thủy Tú nên có vị trí trung tâm biển và đầm phá khá đặc biệt. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, việc đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản ở Vinh Thanh liên tục phát triển. Ngư dân vùng biển Vinh Thanh đã có đội tàu thuyền đánh bắt hải sản gồm 113 chiếc, trong đó có 28 tàu chuyên đánh bắt xa bờ. Các phương tiện tàu thuyền, máy móc, ngư lưới cụ được bà con đầu tư cải hoán để đánh bắt có hiệu quả hơn. Hải sản vừa đánh bắt xong là đưa thẳng về chợ đầu mối Vinh Thanh. Con tôm, con cá, con mực… ở đây lúc nào cũng tươi roi rói. Bởi vậy lúc nào cũng có hàng chục thương lái chờ đợi để thu mua, cung cấp cho các nhà hàng chuyên bán hải sản ở thành phố. Ngoài lượng tiêu thụ hải sản hàng ngày ở chợ, người dân còn chế biến các loại mắm, nước mắm, ruốc… để bán quanh năm. Đối với vùng đầm phá, ngoài việc đánh bắt tôm cá theo lối truyền thống (nò sáo), Vinh Thanh đã mở rộng 4 khu vực nuôi thủy sản nước lợ với diện tích gần 43ha, mang lại hiệu quả kinh tế khá cho người dân.

Ngày trước, đất cát Vinh Thanh từng là nơi trồng cây thuốc lá, chất lượng đậm đà, không thua gì thuốc lá Phong Lai. Vinh Thanh có giống khoai vồ củ tròn to, bở mà bùi, ăn vào nhớ mãi. Ở các đầm nước, những năm gần đây người dân chuyển đổi sang trồng sen, kết hợp nuôi cá tự nhiên. Sen Vinh Thanh sản lượng không cao, nhưng chất lượng, được thị trường ưa chuộng, bán được giá cao hơn so với sen ở các vùng khác trong cả nước. Người dân Vinh Thanh còn có nghề nấu rượu, do dùng loại men truyền thống nên rượu Vinh Thanh thuộc loại ngon có tiếng.

Hướng đi từ biển

Chợ Vinh Thanh là một ngôi chợ lớn, như một đầu mối chuyên phân phối thủy, hải sản và nguồn rau xanh cho Huế và nhiều nơi trong vùng. Hằng ngày chợ họp thành 3 phiên, phiên thứ nhất bắt đầu từ 1 giờ đến 5 giờ sáng; phiên thứ hai từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa; phiên thứ ba từ 1 giờ đến 6 giờ chiều. Phiên chợ sáng chuyên cung cấp các loại rau, quả tươi như: mướp, bầu bí, dưa các loại và rau xanh… Phiên chợ chiều chuyên bán thủy, hải sản vừa đánh bắt trong ngày. Vinh Thanh là điểm dừng chân để du khách thưởng thức ẩm thực thủy, hải sản tươi sống. Lượng thủy, hải sản tiêu thụ tại các bãi tắm, khu nghỉ dưỡng và các nhà hàng quanh các khu vực có di tích là khá lớn, dịch vụ ẩm thực mang nguồn thu khá cho người dân.

UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch Khu du lịch sinh thái biển Vinh Thanh. Theo đó, Vinh Thanh sẽ có những khu khách sạn cao cấp, khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái… Trong tương lai, xã Vinh Thanh sẽ có thêm một số tuyến đường khác được mở theo quy hoạch. Một trong những tuyến đường sẽ mở theo quy hoạch ở xã này là đoạn đường kéo dài khoảng gần 3km, đi qua UBND xã Vinh Thanh và cắt qua Quốc lộ 49B. Tháng 2 vừa qua, Tập đoàn BRG đã tổ chức lễ ra quân dự án khách sạn du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng và khu vui chơi giải trí tổng hợp tại xã Vinh Thanh. Dự án này có tổng mức đầu tư 4.168 tỷ đồng, với quy mô diện tích gần 110ha.

Các hộ dân ở Vinh Thanh cũng đang đầu tư để xây dựng mô hình homestay góp phần phát triển dịch vụ du lịch trên địa bàn. Có 5 hộ gia đình trên địa bàn xã đã được phê duyệt nguồn kinh phí 100 triệu đồng mỗi hộ để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Ví dụ ông Lê Bá Trung quyết định “làm” homestay trên mảnh đất rộng 5.000m2. Con gái của ông Trung là chị Lê Thị Anh Thi cũng đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng homestay…

Liên quan đến du lịch, có ý kiến cho rằng, ngày trước, ngư dân thường có nhà ở ven đầm phá để tiện việc đánh bắt thủy sản, trong đó có loại hình nhà chồ. Vào thập kỷ 80, do tác động của thiên tai, nhiều nhà bị đổ sập nên Nhà nước có chủ trương vận động người dân lên bờ định cư làm nhà kiên cố. Nên chăng, bây giờ cần phục hồi nhà chồ trên đầm phá để phục vụ cho du lịch sinh thái. Cũng vậy, ở các hồ sen, khu sản xuất rau sạch cũng có thể xây dựng mô hình farmstay…

Đặng Ngọc Nguyên

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …