Về với miền quê “Khởi đầu Cách mạng tháng Tám”

Phú Lộc ngày nay phát triển về dịch vụ du lịch nhờ hệ thống đầm phá và biển. Ảnh: MC

Xuôi theo quốc lộ từ Huế về phía nam trong nắng cuối hè oi bức, đến cầu vượt đường tránh Huế (Thủy Phù – Hương Thủy), rẽ hướng đông – nam theo trục tỉnh lộ thoáng rộng thênh thang, chúng tôi đến cầu Trường Hà trong cảm giác lâng lâng trước cảnh sắc mây trời lộng gió, đặc biệt là sự đổi thay đến ngỡ ngàng của những làng quê “cát trắng, nắng bỏng” đeo bám một thời gian khó. Thay vào đó, hình ảnh cầu Trường Hà nối nhịp bờ giữa hai miền chân sóng đã làm đổi thay, khởi sắc diện mạo và cuộc sống của người dân hai huyện Phú Vang – Phú Lộc.

Khám phá, thưởng thức đặc sản vùng đầm phá bên chân cầu Trường Hà, chúng tôi tiếp tục đi về phía biển, cũng trên trục lộ nối Huế với các làng xã ven biển Phú Vang, Phú Lộc. Dọc tỉnh lộ, ngày cuối tuần, du khách rộn rã về với biển Vinh Thanh, Vinh Hiền… đông như trẩy hội. Cuộc sống mới nơi làng quê xưa nay trở nên sôi động, náo nhiệt với cơ hồ nhà cửa khang trang, trường học, trạm y tế, chợ búa, tiệm tạp hóa, nhà hàng hải sản nối nhau…

Đứng trên núi Linh Thái – Túy Vân phóng tầm mắt bốn bề sóng nước, trước mặt là Biển Đông mênh mông sóng vỗ bên cửa biển Tư Hiền, sau lưng là đầm Cầu Hai chập chùng nò, sáo – nơi cách đây 77 năm trước, Tỉnh ủy Thừa Thiên tổ chức Hội nghị bàn kế hoạch tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến theo chỉ thị của Đảng và Bác Hồ. Xa xa phía bên kia là dãy Bạch Mã mây trắng trải dài ôm lấy làng mạc, thị tứ, ruộng đồng từ xứ Truồi cho đến Cầu Hai; nơi trung tâm huyện lỵ Phú Lộc sầm uất với tuyến huyết mạch giao thông trọng yếu nối liền hai miền Bắc – Nam trong suốt chiều dài lịch sử.

Phú Lộc còn có địa danh làng Nghi Giang, thuộc xã Vinh Giang (nay là Giang Hải) – nơi còn lưu dấu tích lịch sử mùa Thu tháng Tám hào hùng của gần 80 năm trước ở vùng đất Kinh đô.

Vinh Giang là xã vùng ven biển, đầm phá thuộc khu 3 huyện Phú Lộc. Nơi đây xưa kia nghèo khó, cách trở đò ngang, nhưng là một trong những cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng ngay từ ngày đầu thành lập Đảng. Trên vùng đất này, trong những năm 30 – 40 của thế kỷ trước đã có rất đông thanh niên yêu nước sớm giác ngộ cách mạng, hăng hái tham gia hoạt động trong các phong trào cứu nước. Từ đó, tinh thần yêu nước và cách mạng đã lan tỏa khắp thôn, xóm và trong quần chúng. Dù kẻ thù khủng bố, đàn áp dã man nhưng Nhân dân Vinh Giang nói riêng, khu 3 nói chung vẫn trọn niềm tin với Đảng. Trong nhiều địa danh, cơ sở cách mạng trên địa bàn Vinh Giang, vẫn còn đó Trụ sở cơ quan Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Thừa Thiên thời kỳ 1942 – 1945.

Năm 1942, trước sự truy lùng gắt gao của mật thám Pháp, đồng chí Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí trong Tỉnh ủy lâm thời đã quyết định chuyển cơ sở của Đảng bộ tỉnh về hoạt động tại làng Nghi Giang, xã Vinh Giang – nơi có phong trào cách mạng sôi nổi, nhưng đảm bảo bí mật. Từ đó, ngôi nhà của đồng chí Lê Minh (Tư Minh) được chọn làm Trụ sở cơ quan Tỉnh ủy lâm thời.

Tại ngôi nhà này, đồng chí Nguyễn Chí Thanh – Bí thư Tỉnh ủy thường xuyên làm việc và chủ trì nhiều cuộc họp quan trọng, chỉ đạo phong trào cách mạng toàn tỉnh, liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ và các địa phương khác; cũng là nơi tổ chức in ấn tài liệu phân phối cho các cơ sở trong tỉnh. Các tờ báo “Đuổi giặc”, “Vì nước”, “Vì dân”, cùng các truyền đơn, khẩu hiệu, điều lệ Đảng cũng được ra đời từ nơi đây. Ngôi nhà này cũng là nơi tập kết, chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng được tổ chức trên đầm Cầu Hai (5/1945) để bàn kế hoạch chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng tám. Chính từ ngôi nhà này, những chỉ thị, chủ trương của Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã được truyền tới quân và dân trong tỉnh. Hoạt động cơ quan Tỉnh ủy trong thời gian này đã góp phần quan trọng trong việc chỉ đạo toàn dân thực hiện Lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Thừa Thiên Huế.

Đồng thời, nơi đây còn ghi nhiều công lao cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của nhiều đồng chí đảng viên tiền bối như Lê Bá Dị, Lê Cương, Phan Sung, Nguyễn Đình Sản, Lê Hải… Cũng chính tại đây, đồng chí Lê Minh đã giác ngộ, trở thành yếu nhân của phong trào khởi nghĩa theo tiếng gọi của Đảng – Bác Hồ, tích cực tham gia sự nghiệp kháng chiến giải phóng dân tộc và lần lượt giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, Phó Bí thư Khu ủy Trị Thiên – Huế, Bí thư Thành ủy Huế – Chỉ huy trưởng mặt trận Huế trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968…

Trải qua thời gian dài chiến tranh, thiên tai khắc nghiệt, nhưng Trụ sở cơ quan Tỉnh ủy lâm thời Thừa Thiên vẫn được bảo tồn khá nguyên trạng. Trong ngôi nhà còn lưu giữ nhiều hiện vật, di vật mang dấu ấn lịch sử gắn liền với các nhân vật lịch sử của quê hương, là minh chứng hùng hồn cho quá trình hoạt động của cơ quan Tỉnh ủy, của lòng dân với Đảng, với phong trào cách mạng, là niềm tin, động lực đưa đến sự thắng lợi trọn vẹn trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân trên quê hương Thừa Thiên Huế vào mùa Thu tháng Tám năm 1945 lịch sử.

NGUYỄN ĐÌNH DŨNG

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …