Về miền gió thức

Tháng 7. Mùa hạ nắng rát miền “cỏ cháy”, lại thêm gió Lào thổi ràn rạt, miên man bất tận khiến tâm trí tôi luôn nhớ về những câu thơ người con Cam Lộ “Ơi gió Lào ơi đừng thổi nữa…”. Dù vậy, tôi vẫn mơ hồ nghe như trong gió có những tiếng gọi vô hình nên lại muốn có ai về Quảng Trị cho tôi về theo với.

Cầu được ước thấy!

Một ngày đầu tháng 7, tôi được theo vợ chồng anh Nguyễn Tài Thuận – chị Mai Tiêu về thôn Lâm Lang, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ để viếng thăm bến Đập Đá, một điểm nút giao liên bí mật, trọng yếu qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trước chứng tích bến Đập Đá

Chủ động lái xe đưa chúng tôi đi là người con gái duy nhất còn lại của vị Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Trị. Nói theo cách của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường thì, trong những năm tháng khốc liệt nhất, không có tấc đất mô ở Quảng Trị không có dấu chân ông.

Một lần, tình cờ được nghe anh Thuận kể về bàn tay ấm, ánh mắt hiền rất thân thương tỏa ra từ vị “Thủ trưởng cấp cao” nhân hậu mà anh đã may mắn nhiều lần đưa ông qua lại bến Đập Đá trong những tình thế một mất, một còn. Bắt đầu từ niềm quý thương ấy mà anh em tôi có cuộc hành hương trở về nơi đây, một địa chỉ đỏ với những gì không thể quên trong trái tim mỗi người.

Trên đường đi, chúng tôi dừng lại ở Thành Cổ, dâng hương hoa lên nấm mộ chung. Tôi xúc động nhìn theo dáng các anh chị tuổi đã ngoài 70, bước lên đài cao. Tóc anh Thuận giờ đã bạc phơ, những bước chân chầm chậm, lệch nghiêng khi bước lên những bậc thang cao trên đài nghĩa trang, mắt đăm đăm nhìn mãi theo những làn khói trắng bay dưới nắng gió Thành Cổ sớm mai. Tôi nghe mắt mình cay cay. Gió ùa ập, lật ngược cây dù trông giống bông hoa nâu bung nở dưới cái nhìn trìu mến, chở che của vầng hoa phượng đỏ li ti, tựa như những vì sao lung linh lấp lánh ánh cười dưới bầu trời trong xanh và lộng gió.

Bến Đập Đá hôm nay

Rời Thành Cổ, người con gái làng Đâu Kênh lái xe đưa chúng tôi về qua nhà chị, giờ là “Khu di tích cấp tỉnh” thắp hương cho người thân trong gia tộc, không quên ghé sang vườn nhà hàng xóm, thăm nơi liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc khi anh ngã xuống. Những ngọn gió lao xao đưa vào chốn thiêng hương sen thơm Bàu Phạm, tiếng cu gù trong lũy tre xanh.

Sau đó, theo Đường 9, xe chúng tôi hướng về miền đất Cam Lộ. Biết tôi lại muốn được nghe chuyện bến Đập Đá, anh Thuận chậm rãi kể: Năm 17 tuổi, anh vào du kích, làm nhiệm vụ giao liên ngay trên mảnh đất Cam Thủy quê anh. Dòng sông Hiếu chảy qua làng anh ở tại bến Đập Đá là khúc sông hẹp nhất, nơi lòng dân nối đường ra Bắc vào Nam. Giặc biết rõ điều đó nên dồn dân qua bờ sông bên kia ở như trại lính. Bên này, trong những căn nhà, khu vườn hoang, du kích vẫn kiên cường bám trụ, đêm đêm tìm cách qua sông nối mạch máu giao thông đôi bờ. Các mẹ, các chị bên ấy vẫn ngày ra sông giặt giũ, tìm cách truyền tín hiệu an toàn cho những cán bộ, chiến sĩ vượt sông, băng qua Đường 9 đi sâu vào vùng địch hậu. Phía địch, ráo riết ém quân, phục kích, rải mìn, dập pháo hàng ngày. Phía ta, dũng cảm, mưu trí, sử dụng những khoảnh khắc lơi là của chúng để vượt sông. Có nhiều, rất nhiều đoàn cán bộ, bộ đội ra Bắc vào Nam đã đi qua đây. Trót lọt cũng nhiều mà hy sinh cũng không ít. Có nhiều người đã âm thầm ngã xuống như “Những ánh sao nâu”, máu từng âm thầm thấm mảnh đất này.

Năm 1967, trong một lần đưa quân qua sông sau một ngày tưởng như êm ả, bị giặc bất ngờ phục kích, đạn bắn xối xả, đồng đội anh hy sinh hết. Anh Thuận bị một viên đạn giặc bắn sượt, vỡ má phải, một viên đạn trúng sau gáy, còn viên đạn thứ ba trúng bắp chân. Khi được nữ y tá mổ, băng bó vết thương cho anh, nước mắt chị ấy rơi không ngừng. Anh hỏi vì sao khi mổ, em đau không khóc mà chị khóc nhiều. Chị bảo khóc vì thương em đau và khóc còn vì từ nay em không đẹp trai được như trước nữa. Đó là tuổi 18 của người con trai bến Đập Đá. Tôi hỏi anh, chừ chị y tá còn sống không. Anh Thuận bảo còn, và coi nhau như ruột thịt.

Im lặng rất lâu như cố nén điều chi, giọng trầm đục anh kể, có nhiều đêm, sau tiếng súng đạn rền vang, nghe có tiếng gọi “Mẹ ơi!” trên bến sông vọng tới, mẹ anh không ngủ được. Mỗi lần có người hy sinh trên bến, là mẹ anh lại sai chị gái ra sông “giặt áo” và dặn rất kỹ những dấu vết đặc biệt trên tay chân của em trai để chị gái nhận mặt em. Tôi bỗng có cảm giác như có ai vừa đặt bàn tay lên trái tim mình. Nặng trĩu. Đau nhói!

Nhà bia ghi chứng tích bến Đập Đá đây rồi. Nơi đây giờ là một bến sông giờ lặng yên, hiền hòa như bao bến sông khác. Bãi bờ xanh xanh đến nao lòng. Có con đò cắm sào trên bờ bắc, tưởng chỉ chưa đầy ba phút đã qua tới bờ nam. Đúng vào giờ ngọ, nắng nồng, gió Lào ào ạt. Nhà bia trống trải, anh em chúng tôi cố tìm cách thắp hương nhưng không cách gì thắp nổi. Có một chàng trai từ xóm đi ra, xin mang hương về nhà thắp rồi đem đến bia tưởng niệm giúp chúng tôi. “Con cũng muốn được thắp hương cùng cô bác”, anh nói trong ánh nhìn lấp lánh với nụ cười hiền lành, đậm chất Quảng Trị. Chúng tôi không ai bảo ai, bỗng thấy nhẹ lòng, trong khói hương thơm tỏa. Khi anh Thuận đứng khấn, tôi như nghe thấu được tâm sự của người lính với đồng đội mình. Bài thơ “Đêm hoa đăng” của anh, vọng lên trong lòng tôi:

“… Người lính già bạc đầu mắt khô

Trở lại chiến trường xưa

Đăm đắm nhìn sông

Đưa tay lên ngực

Thảng thốt gọi thầm:

Chiến ơi

Việt ơi

Các đồng chí ơi…”

Tôi hiểu vì sao trong thơ anh có những câu thơ như tiếng nấc: “Hình như trong khói sương bảng lảng, có một con đò chèo mãi không đến bờ”, lòng chùng xuống mênh mang khi nhìn bến sông thanh bình, yên vắng. Người chiến sĩ trẻ kiên cường năm xưa, người thầy giáo Khoa Văn của Trường đại học Tổng hợp Huế ngày nào, giờ đang đứng bên cạnh chúng tôi đây, bình dị mà hiền hòa, sâu lắng như dòng sông Hiếu, khúc chảy qua làng anh.

… Ngọn gió qua sông, mang theo hơi nước trong mát từ bến Đập Đá thổi lật bay tóc và tà áo của chị em tôi. Vạt áo dài trắng như mây bay quấn quanh ngang người ba chị em tôi tựa hồ như những niềm vui gặp gỡ không lời. Khoảnh khắc ấy thật diệu ảo trong cảm nhận của riêng tôi, rặng chuối trong gió, như những người lính trẻ trong quân phục màu xanh trùng điệp đang đứng quanh chào chúng tôi để chuẩn bị hành quân đi đâu đó, xa thật xa. Khi xe chúng tôi rời đi, gió đưa những tàu chuối, tàu cau lật bay theo gió trông như những cánh tay nhớ nhung còn vẫy mãi…

Nắng và gió qua truông vẫn ào ạt thổi…

Chúng tôi đến thắp hương trước bài vị của vua Hàm Nghi, thêm một lần chứng kiến tấm lòng dân với nhà vua yêu nước trước một khu nhà thờ uy nghiêm rạng rỡ vừa được dựng nên trên nền đất thành Tân Sở, nơi vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương.

Xế chiều, gió lặng hơn, chúng tôi xuôi về Cửa Việt ra tới Cửa Tùng nghe bài hát “Xa khơi” thoảng trong ngọn gió nồm mát rượi. Cơ hồ như ngọn gió Cửa Tùng đang vỗ về, hát ru những thổn thức, khắc khoải sâu trong tâm hồn chúng tôi khi chạm vào vĩ tuyến 17 của ngày hôm qua.

Không thể viếng thăm hết những nghĩa trang liệt sĩ trên mảnh đất này, nhưng có rất nhiều cơn gió trong lòng tôi còn thổi mãi.

Bài, ảnh: NHẬT AN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …