Khi vụ rau ngoài thị trường được đóng nhãn VietGAP và đưa lên kệ ở một số cửa hàng thuộc hệ thống Bách hóa xanh – một hệ thống siêu thị lớn, đứng chân ở miền Nam, miền Đông và Nam Trung bộ – được báo Tuổi Trẻ phanh phui, không chỉ khách hàng của Bách hóa xanh, mà ngay cả những người thường mua rau củ quả ở các siêu thị lớn nhỏ khác cũng cảm thấy bị lấy cắp, hoặc mất mát niềm tin. Không phải chỉ thuộc về khái niệm, mà vấn đề là ở chỗ người tiêu dùng đã mua sự an toàn cho sức khỏe, nhưng điều đó đã bị đánh tráo bằng sự lừa dối – Vì lợi nhuận.
Vụ việc vẫn đang trong quá trình xử lý. Đương nhiên trách nhiệm không chỉ thuộc về các doanh nghiệp, cơ sở cung cấp rau củ quả mà ngay cả Bách hóa xanh, với tư cách là đơn vị cung cấp đầu ra đến tận tay người tiêu dùng, cũng là bên liên quan sâu. Người tiêu dùng có thể chưa cần rõ đầu vào, nhưng thương hiệu cung cấp nhãn hàng đó phải có trách nhiệm với khách hàng của mình. Cho dù rau củ quả chỉ là một trong hàng trăm mặt hàng được Bách hóa xanh đặt lên kệ, thì “con sâu” này có thể đã làm hỏng rất nhiều thứ tươi, tốt khác mà họ đã tìm kiếm, thương thảo để đưa vào kinh doanh.
Nhưng nào phải hệ lụy chỉ riêng cho Bách hóa xanh, khi người ta bắt đầu nhìn vào siêu thị và chuỗi siêu thị khác bằng sự e dè. Có thể thất bại ở người này là cơ hội ở người khác, nhưng khi mọi thứ gần như đang được xác lập bởi lòng tin, nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng và tác động đến nguồn thu có từ người tiêu dùng. Thông tin từ các nhà bán lẻ cho thấy, do quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ nên cho đến tận bây giờ, hầu như các siêu thị đều không đủ nguồn hàng cung ứng thường xuyên. Việc cung cấp và truy xuất hóa đơn đầu vào, đầu ra do vậy khá bất khả thi. Đây cũng là “môi trường” để xuất hiện/phát sinh những đơn vị trung gian. Đồng thời, xuất hiện luôn những kẽ hở của sự gian dối và cuối cùng, những người ngồi vào bàn ăn mỗi ngày sẽ là nhân tố gánh chịu những tác động có thể không an toàn đến từ thực phẩm mà họ đã mua về chế biến.
Tôi chắc rằng, người sản xuất và cung cấp rau củ cho các đơn vị trung gian – ở đây đang là Bách hóa xanh – cũng đang khó khăn khi đầu ra của họ đã ngưng lại. Sản phẩm lỗi cũng là một chuỗi, và bắt đầu từ nơi gieo trồng. Lại nhớ điều mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tâm tư chia sẻ và yêu cầu về việc phải xây dựng nền nông nghiệp tử tế. Ông đã nhấn mạnh rằng, “chúng ta làm minh bạch, tử tế không chỉ để phục vụ thị trường xuất khẩu, mà còn là phục vụ thị trường hơn 100 triệu dân trong nước”.
Có vẻ như thị trường trong nước là rất lớn, nhưng vẫn chưa được chú ý và đầu tư đúng như nó phải có. Vì sao các sản phẩm khác muốn xuất khẩu phải đảm bảo được các tiêu chí về an toàn thực phẩm, kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất gây ô nhiễm trong thực phẩm, kiểm soát được thực phẩm biến đổi gen, truy xuất nguồn gốc, tuân thủ và trách nhiệm trong thực phẩm và một số quy định khác nữa… nhưng đối với hàng chục triệu người dân trong nước, lại dễ dãi và gian dối đến vậy?
Cái gì minh bạch, tử tế thì thuộc về lâu dài. Nhưng để đến được đích ấy, người tiêu dùng vẫn đang phải tạm tin vào các sản phẩm mà mình đang tiêu dùng mỗi ngày, dù họ đang phải nhiều lần trả giá cho điều đó.
MINH HÀ