Nếu A Lưới thực hiện được điều này thì quá tuyệt vời – xây dựng “Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo”. Tại buổi lễ phát động, 5 con bò được trao cho 5 hộ nghèo. A Lưới coi đây là một phong trào.
Tất nhiên, mong ước thì ai cũng hiểu, nhưng để thực hiện cho được mong ước lại là một việc, có khi không dễ dàng. Xây dựng dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo có thể hiểu là xã không có hộ nghèo. Tất cả các xã đều không có hộ nghèo có nghĩa là huyện không có hộ nghèo. Đối với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như A Lưới, mục tiêu này có phải là quá cao?
Thôi thì, cao thấp gì một khi đã quyết tâm thực hiện thì mọi kết quả dù ít hay nhiều đều đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, khi thực hiện mục tiêu này, thiết nghĩ có một số vấn đề cần nghĩ tới.
Thứ nhất, nên xem đây là một chương trình thì hay hơn là phong trào. Bởi tính phong trào thường là có tính chất bề nổi. Không ít phong trào trống giong cờ mở, nhưng kết quả cuối cùng không đạt như mong muốn. Có vẻ như nó là ý chí hơn là thực tiễn. Cứ nhìn vào thực tế mà xem. Nhà sinh hoạt cộng đồng có người vào sinh hoạt không? Nhà văn hóa thôn xã có mấy khi sáng đèn? Nếu chúng ta xác định thực hiện chương trình thì có mục tiêu, đi kèm với đó là các giải pháp thực hiện mục tiêu. Có người (bộ phận) chỉ đạo, điều hành và chịu trách nhiệm. Có bố trí nguồn nhân lực và vật lực. Có phân kỳ sơ kết, đánh giá và điều chỉnh các giải pháp khi cần để phù hợp với thực tế… Nói chung là phải tìm mọi giải pháp để chương trình đi vào chiều sâu. Thoát nghèo hay làm giàu là một câu chuyện thực tế, phải lao tâm khổ tứ, phải làm có khi trên cả sức mình chứ không hề đơn thuần là chuyện nói.
Chúng ta đều biết, giảm nghèo giai đoạn đầu bao giờ cũng dễ dàng hơn ngày càng về sau. Đơn giản là những gia đình, những địa phương có khi có những nguồn lực nhưng chưa khai thác hết. Một khi nguồn lực được khai thác tốt trong giai đoạn đầu thì kết quả đưa lại thấy rõ. Nhưng càng về sau, nếu không tìm kiếm những động lực khác thì rất khó có thể có kết quả nhảy vọt được. Nhìn trên bình diện quốc gia, điều mà các nhà nghiên cứu gọi là bẫy thu nhập trung bình là thế. Không ít nước từ nghèo đã bước lên trung bình thấp rồi trung bình. Nhưng rồi không thể nào vượt qua được mức trung bình để lên khá giả.
Chuyện của xã, phường ít nhiều cũng na ná như vậy. Trước đây trồng lúa không giàu được. Giờ chuyển qua trồng rau màu có khá hơn. Nhưng ngay rau màu đến một lúc cũng bão hòa và đòi hỏi chất lượng cao hơn. Nếu không bắt nhịp kịp và không có điều kiện thực hiện điều này, thì… cuối cùng cũng chỉ là “khá hơn khi trước chút đỉnh” mà thôi!
Dù có phong trào hay chương trình thì cũng phải đặt mục tiêu cụ thể. Mà tốt nhất là phấn đấu đi từ thấp lên cao mới bền vững. Ví dụ như dòng họ không có người nghèo thì cách làm sẽ như thế nào? Ai sẽ giúp ai trong dòng họ đó? Cách thức giúp như thế nào. Đây được xem vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm phải thực hiện hay chỉ là “cam kết miệng”, giúp được thì tốt không giúp được cũng chẳng sao, cũng chẳng thấy có trách nhiệm gì!
Nói chung là phải có chương trình và những cam kết cụ thể. Một dòng họ đa phần là người khá giả thì dễ giúp cho những người ít lợi thế hơn còn lại. Nhưng một dòng họ số người khá ít hơn số người nghèo thì giúp nhau như thế nào? Chúng ta phải lường hết những khó khăn như vậy mới có thể tìm ra câu trả lời phù hợp để đưa phong trào (hay chương trình) đi vào thực chất.
Chúng ta có nhiều chương trình mang tầm quốc gia cho xây dựng nông thôn, xóa đói giảm nghèo, nhưng mấy mươi năm thực hiện, giờ nhìn lại, đời sống của đại bộ phận người dân ở vùng nông thôn đã khá hơn nhiều, nhưng số người nghèo vẫn còn. Nhiều địa phương tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao. Nói như thế để thấy rằng, những mục tiêu đưa ra cần thận trọng, nếu không muốn “mặc chiếc áo rộng thùng thình so với con người của mình”.
Lê Bình An