Ủy thác vốn qua bốn tổ chức chính trị – xã hội

Giao dịch tại NHCSXH huyện Phong Điền

Để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách (TDCS) đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện phải tinh giảm biên chế, tiết kiệm chi phí quản lý, NHCSXH huyện Phong Điền thực hiện phương thức quản lý TDCS thông qua việc ủy thác tín dụng với 4 tổ chức chính trị – xã hội (CT-XH) huyện, gồm hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên với 64 cơ sở hội cấp xã, thị trấn.

Việc thực hiện công tác ủy thác vốn TDCS của các tổ chức CT-XH phát huy thế mạnh của các tổ chức trong việc tập hợp lực lượng, bình xét quản lý, đôn đốc kiểm tra, trả nợ trả lãi của đối tượng thụ hưởng, từ đó việc sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả. Đến nay, các tổ chức CT-XH tham gia quản lý nguồn vốn ủy thác với dư nợ trên 442 tỷ đồng, với 10.597 hộ vay vốn, sinh hoạt tại 286 tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV).

Vốn là người khiếm thị, anh Nguyễn Ngọc Duy ở xã Phong Bình – một điển hình vay vốn sản xuất để nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Từ hai bàn tay trắng, bằng quyết tâm và sự hỗ trợ của Hội Người mù và được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH Phong Điền năm 2014 với số tiền 30 triệu đồng, anh Duy đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi lợn, gà và trồng 50 cây bưởi trên mảnh đất gia đình.

Do dịch tả lợn châu Phi nên đàn lợn của gia đình anh chết, bao nhiêu vốn liếng đầu tư của gia đình xem như mất trắng. Nhận thấy khó khăn của gia đình anh Duy, năm 2020 thông qua tổ TK&VV, NHCSXH Phong Điền tiếp tục giải ngân cho gia đình anh vay 50 triệu đồng để chuyển đổi sản xuất qua nuôi bò. Với nguồn vốn đó, anh Duy mua 4 con bò về nuôi, qua quá trình nuôi anh đã xuất bán được 5 con, hiện còn 11 con bò, đến nay gia đình anh Duy đã trả tiền vay đúng hạn hàng tháng.

Anh Lê Phước Lần, thôn Đông Phú, xã Phong Bình sau bao năm bôn ba đi làm thợ may thuê xa nhà, năm 2018, anh Lần quyết định trở về địa phương lập nghiệp. Với số vốn ít ỏi dành dụm của 2 vợ chồng, năm 2020, anh Lần được NHCSXH Phong Điền giải ngân cho vay 70 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh (SXKD), anh quyết định mở một cơ sở gia công may mặc tại gia đình. Do tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, số lượng hàng nhận gia công sản xuất chỉ cầm chừng. Năm 2022, NHCSXH Phong Điền giải ngân cho gia đình anh Lần vay thêm 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm để khôi phục kinh tế sau dịch, anh đã mua thêm phương tiện máy móc, mở rộng sản xuất. Đến nay, cơ sở gia công may mặc của gia đình anh Lần hoạt động ổn định và đã có nhiều đơn đặt hàng, giải quyết việc làm cho gần 30 lao động tại địa phương với thu nhập từ 3 đến 6 triệu đồng mỗi lao động.

Ông Lê Xuân Trung, Giám đốc NHCSXH huyện Phong Điền cho biết, từ ngày thành lập, NHCSXH huyện chỉ thực hiện 2 chương trình tín dụng là cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm, sau gần 20 năm thực hiện tăng lên 18 chương trình cho vay với tổng dư nợ đến ngày 30/6/2022 đạt 443,5 tỷ đồng, tăng 425,3 tỷ đồng; có trên 77.772 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH để SXKD, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống…

Bài, ảnh: Trần Minh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …