Tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh năm 2021

THÔNG BÁO

TUYỂN CHỌN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN CHỦ TRÌ

NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH NĂM 2021

Thực hiện Quyết định số 3343/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt các nhiệm vụ nghiên cứu – thử nghiệm khoa học và công nghệ của tỉnh năm 2021 (đợt 2), Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế thông báo tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh như sau:

I. Thông tin chung về các nhiệm vụ KH&CN tuyển chọn

1. Đề tài: Nghiên cứu trồng thử nghiệm một số giống dừa Xiêm (Cocos nucifera L) nhằm phát triển kinh tế hộ và phủ xanh vùng đất cát ven đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mục tiêu định hướng:

– Xác định được đặc điểm, tính chất của các vùng đất cát ven đầm phá có khả năng phát triển cây dừa Xiêm ở vùng cát ven đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế;

– Tuyển chọn được ít nhất 02 giống dừa Xiêm phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của vùng cát ven đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế;

– Xây dựng quy trình canh tác đối với các giống dừa Xiêm đã được lựa chọn;

– Xây dựng được mô hình trồng thử nghiệm giống dừa Xiêm phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của vùng cát ven đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế;

– Xây dựng được chuỗi giá trị hàng hóa theo mô hình chuyển đổi số của cây dừa Xiêm từ đặc tính đất đến tiêu dùng;

– Đánh giá được những tác động và hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường của cây dừa Xiêm trên vùng đất cát ven đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế.

Sản phẩm dự kiến:

– Bản đồ sự thích hợp của cây dừa Xiêm trên vùng đất cát ven đầm phá, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2025-2045;

– 02 giống dừa Xiêm phù hợp nhất với đặc điểm của vùng đất cát ven biển, đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế;

– Xây dựng một bộ quy trình trồng, chăm sóc các giống dừa Xiêm được lựa chọn trên địa bàn vùng đất cát ven đầm phá tỉnh Thừa Thiên Huế;

– Xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa theo mô hình chuyển đổi số phát triển cây dừa Xiêm gắn với kinh tế hộ và doanh nghiệp;

– Báo cáo đánh giá tác động và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của cây dừa Xiêm;

– Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đề tài;

– Bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành.;

– Chuyên mục truyền thông phát trên Đài truyền hình địa phương.

2. Dự án: Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển đàn bò lai chuyên thịt trên nền bò cái lai Zebu tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Mục tiêu định hướng:

– Tạo được đàn bò lai chuyên thịt trên nền bò cái lai Zebu ở Thừa Thiên Huế, có trọng lượng, tỷ lệ thịt xẻ tăng 1,3-1,5 lần so với bò lai Zebu;

– Đánh giá được năng suất sinh sản của đàn bò cái lai Zebu lai khi phối tinh với các giống bò Charolais, Droughtmaster và Red Angus;

– Đánh giá được khả năng sinh trưởng, năng suất, chất lượng thịt của các tổ hợp bò lai Charolais x lai Zebu, Droughtmaster x lai Zebu và Red Angus x lai Zebu nuôi tại tỉnh Thừa Thiên Huế;

– Xây dựng thành công mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản quy mô nông hộ và quy mô trang trại.

Sản phẩm dự kiến:

– Phối thành công cho 600-700 lượt bò cái lai Zebu với tinh bò chuyên thịt (Charolais, Droughtmaster và Red Angus), tỷ lệ phối giống có chửa bình quân đạt 75% trở lên;

– Quy trình lai tạo giữa giống bò chuyên thịt trên nền bò cái lai Zebu.

– Quy trình kỹ thuật nuôi bò lai chuyên thịt trên nền bò cái lai Zebu.

– Quy trình chế biến thức ăn cho bò chuyên thịt trên nền bò cái lai Zebu.

– Mô hình chăn nuôi bò lai chuyên thịt quy mô nông hộ, với quy mô 02 con/mô hình;

– Mô hình chăn nuôi bò lai chuyên thịt quy mô trang trại, với quy mô 15 con/mô hình;

– Đàn bò lai hướng thịt: 150-200 con;

– Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện dự án;

– Bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành;

– Chuyên mục quảng bá trên Đài truyền hình địa phương.

3. Đề tài: Nghiên cứu phát triển nguồn nguyên liệu và sản phẩm trà từ cây gừng đen (Distichochlamys spp.) tại Thừa Thiên Huế có tác dụng chống oxy hóa và kháng viêm.

Mục tiêu định hướng:

– Đánh giá được thực trạng phân bố, trữ lượng, khai thác cây gừng đen tại Thừa Thiên Huế;

– Xác định được các đặc điểm sinh học, sinh thái học, chỉ thị phân tử cho một số loài gừng đen tại tỉnh Thừa Thiên Huế;

– Hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống 02-03 loài gừng đen bằng nuôi cấy mô (in vitro) và giâm hom;

– Xây dựng được mô hình nhân giống và trồng thực nghiệm một số loài gừng đen tại Thừa Thiên Huế;

– Xác định được thành phần hóa học từ các bộ phận khác nhau của cây gừng đen phân bố tại Thừa Thiên Huế theo định hướng tác dụng chống oxy hóa và kháng viêm;

– Xây dựng được quy trình bào chế trà dược liệu có lợi cho sức khỏe theo hướng kháng viêm và chống oxy hóa.

Sản phẩm dự kiến:

– Báo cáo đánh giá thực trạng phân bố, trữ lượng, khai thác cây gừng đen tại Thừa Thiên Huế nhằm cung cấp cơ sở cho phát triển loài gừng đen tại địa phương;

– Bộ dữ liệu về đặc điểm sinh học, sinh thái học, phân tử 02-03 loài gừng đen tại Thừa Thiên Huế;

– Quy trình sản xuất cây giống gừng đen đạt chuẩn xuất vườn;

– Quy trình trồng, chăm sóc cây gừng đen;

– Mô hình sản xuất cây giống đạt 8.000-10.000 cây giống của 02-03 loài gừng đen tại Thừa Thiên Huế;

– Mô hình trồng và chăm sóc cây gừng đen ở vườn trồng và dưới tán rừng tự nhiên, quy mô 03 ha/mô hình;

– 03-05 hợp chất phân lập từ các dược liệu nghiên cứu (10 mg/chất): độ tinh khiết ≥ 95% theo sắc ký HPLC, kèm bộ dữ liệu phổ xác định cấu trúc (NMR, MS,…);

– Quy trình bào chế trà dược liệu có lợi cho sức khỏe theo hướng kháng viêm và chống oxy hóa;

– Bộ hồ sơ đăng ký công nhận sản phẩm gừng đen đạt tiêu chuẩn GACP;

– Bộ hồ sơ đăng ký thương hiệu trà gừng đen đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm với các dữ liệu chứng minh tác dụng chống oxy hóa và kháng viêm, đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP;

– Tiêu chuẩn cơ sở của cao chiết được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn chung của Dược điển Việt Nam V dành cho cao đặc: 0,5 kg;

– Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đề tài;

– Bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành;

– Chuyên mục truyền thông phát trên Đài truyền hình địa phương.

4. Dự án: Xây dựng mô hình trồng và định hướng phát triển cây dược liệu lan Kim tuyến (Anoectochilus roxburghii (Wall.) Lindl), Bình vôi (Stephanie japonica) dưới tán rừng, vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã gắn với thương mại hóa sản phẩm.

Mục tiêu định hướng:

– Đánh giá thực trạng phân bố và một số đặc điểm sinh học, sinh thái của lan Kim tuyến và Bình vôi ở Vườn Quốc gia Bạch Mã và vùng đệm;

– Hoàn thiện quy trình nhân giống bằng nuôi cấy mô và quy trình sản xuất cây con lan Kim tuyến và Bình vôi đạt tiêu chuẩn xuất vườn;

– Hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc lan Kim tuyến và Bình vôi dưới tán rừng theo chuẩn GACP-WHO;

– Xây dựng mô hình trồng lan Kim tuyến và Bình vôi dưới tán rừng ở Vườn quốc gia Bạch Mã và vùng đệm;

– Đề xuất định hướng phát triển nguồn nguyên liệu dược liệu và thương mại hóa sản phẩm dược liệu đối với lan Kim tuyến và Bình vôi;

Sản phẩm dự kiến:

– Báo cáo thực trạng phân bố và một số đặc điểm sinh học, sinh thái của lan Kim tuyến và Bình vôi ở Vườn Quốc gia Bạch Mã và vùng đệm;

– Quy trình nhân giống lan Kim tuyến và Bình vôi bằng nuôi cấy mô (in vitro);

– Quy trình sản xuất cây con lan Kim tuyến và Bình vôi đạt tiêu chuẩn xuất vườn;

– Hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc lan Kim tuyến và Bình vôi dưới tán rừng tự nhiên và vùng đệm để sản xuất dược liệu theo chuẩn GACP-WHO;

– Mô hình trồng cây lan Kim tuyến dưới tán rừng ở Vườn quốc gia Bạch Mã (quy mô 2.000 cây/mô hình);

– Mô hình trồng cây Bình vôi dưới tán rừng tự nhiên ở vùng đệm Vườn Quốc gia Bạch Mã (quy mô 2.000 cây/mô hình);

– 01 bản thỏa thuận hợp tác giữa các bên trong phát triển các sản phẩm dược liệu mang tên Bạch Mã đối với lan Kim tuyến và Bình vôi;

– Báo cáo tổng hợp và báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện dự án;

– Bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành;

– Chuyên mục truyền thông phát trên Đài truyền hình địa phương.

II. Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn

– Hồ sơ đăng ký tham gia tuyển chọn theo mẫu quy định (truy cập vào website: http://detaikhoahoc.thuathienhue.gov.vn hoặc liên hệ qua email: [email protected]) và gửi về Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đến hết ngày 29 tháng 01 năm 2022 (gồm 10 bộ hồ sơ, trong đó có 01 bộ gốc có dấu và chữ ký trực tiếp) để Sở Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức Hội đồng KHCN tư vấn tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

– Hồ sơ tham gia tuyển chọn gồm các loại văn bản sau (tham chiếu từ Điều 5, Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN ngày 26 tháng 6 năm 2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ):

1. Hồ sơ pháp lý của tổ chức chủ trì:

a) Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức chủ trì;

b) Điều lệ hoạt động của tổ chức chủ trì (nếu có);

2. Đơn đăng ký chủ trì thực hiện nhiệm vụ cấp tỉnh (Biểu B1-1- ĐON);

3. Thuyết minh đề tài (Biểu B1-2a-TMĐTCN hoặc Biểu B1-2b- TMĐTXH); thuyết minh dự án KHCN, dự án SXTN (Biểu B1-2c-TMDA); thuyết minh đề án (Biểu B1-2d-TMĐA);

4. Tóm tắt hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức đăng ký chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh (Biểu B1-3-LLTC);

5. Lý lịch khoa học của cá nhân đăng ký chủ nhiệm và các thành viên thực hiện chính, thư ký khoa học thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh có xác nhận của cơ quan quản lý nhân sự (Biểu B1-4-LLCN);

6. Lý lịch khoa học của chuyên gia trong nước, chuyên gia nước ngoài (Biểu B1-4-LLCN), trong đó có kê khai mức lương chuyên gia (trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ có thuê chuyên gia);

7. Văn bản xác nhận phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu và thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh (Quyết định số 3343/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt các nhiệm vụ nghiên cứu – thử nghiệm khoa học và công nghệ của tỉnh năm 2021 (đợt 2) yêu cầu “Đối với các nhiệm vụ thực hiện ở phương thức Tuyển chọn: Đề nghị phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu và thực hiện nhiệm vụ”) (Biểu B1-5- PHNC);

8. Báo giá thiết bị, nguyên vật liệu chính cần mua sắm, dịch vụ cần thuê để thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh (thời gian báo giá không quá 30 ngày tính đến thời điểm nộp hồ sơ). Báo giá được cập nhật, điều chỉnh, bổ sung trước thời điểm họp thẩm định kinh phí (nếu cần);

9. Báo cáo tài chính của 02 đến 03 năm gần nhất của tổ chức chủ trì đã nộp các cơ quan quản lý theo quy định;

10. Phương án huy động vốn đối ứng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh phải có vốn đối ứng. Văn bản cụ thể cần có cho từng trường hợp trong phương án huy động vốn đối ứng như sau:

a) Đối với trường hợp sử dụng nguồn vốn tự có: Hồ sơ minh chứng tổ chức chủ trì có thể huy động được nguồn vốn tự có để thực hiện nhiệm vụ.

b) Đối với trường hợp huy động vốn từ các cá nhân/tổ chức hoặc huy động vốn góp của chủ sở hữu: Cam kết pháp lý và giấy tờ xác nhận về việc đóng góp vốn của các cá nhân/tổ chức/chủ sở hữu cho tổ chức chủ trì để thực hiện nhiệm vụ.

c) Đối với trường hợp vay tổ chức tín dụng: Cam kết cho vay vốn của các tổ chức tín dụng để thực hiện nhiệm vụ hoặc hợp đồng hạn mức tín dụng còn hiệu lực của tổ chức tín dụng đối với tổ chức chủ trì. Trước khi ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ, nếu Tổ thẩm định kinh phí có yêu cầu, tổ chức chủ trì bổ sung Hợp đồng tín dụng cho nhiệm vụ với tổng giá trị hợp đồng tín dụng đảm bảo được vốn đối ứng thực hiện nhiệm vụ;

11. Tài liệu liên quan khác, nếu tổ chức đăng ký tham gia tuyển chọn hoặc giao trực tiếp thấy cần thiết bổ sung làm tăng tính thuyết phục của hồ sơ hoặc đơn vị quản lý cần làm rõ thông tin trong quá trình tuyển chọn và thẩm định nhiệm vụ.

Đề nghị quý đơn vị khi gửi hồ sơ tham gia tuyển chọn phải đóng gói trong túi hồ sơ có niêm phong và bên ngoài ghi rõ thông tin theo mẫu sau:

Tên nhiệm vụ

Đơn vị tham gia tuyển chọn

Chủ nhiệm nhiệm vụ

Địa chỉ

đơn vị

Số điện thoại liên hệ

III. Thời gian và địa điểm nhận hồ sơ

– Thời gian: Đến hết ngày 29 tháng 01 năm 2022.

– Địa điểm: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế

Số 24 đường Lê Lợi, thành phố Huế

Nộp trực tiếp tại văn thư Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế hoặc gửi qua đường bưu điện (tính theo dấu bưu điện nơi đến).

Muốn biết thêm chi tiết, xin liên hệ Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế:

Địa chỉ: Số 24 đường Lê Lợi, thành phố Huế

Điện thoại: 0234.3824935

Ghi chú: Trong khi chưa hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tuyển chọn, tổ chức, cá nhân đăng ký tuyển chọn có quyền rút hồ sơ đã nộp để thay bằng hồ sơ mới, bổ sung hoặc sửa đổi hồ sơ đã nộp và nộp lại trong thời hạn đã quy định.

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

CEO Central Pharmacy: “Chinh phục khách hàng khó tính từ những chi tiết nhỏ nhất”

Đại dịch COVID-19 không chỉ để lại những hậu quả nặng nề cho ngành y …