Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, nhưng năm 2022 đã sắp kết thúc mà tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng năm nay mới đạt 46,44% kế hoạch; nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 51,34%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021.
Có tiền nhưng vẫn không chi được! Thực tế này đã và đang diễn ra tại nhiều dự án sử dụng vốn đầu tư công. Nguyên nhân được nhìn thấy do thiên tai, vướng mặt bằng, thiếu vật liệu… còn có chuyện chuẩn bị, lựa chọn dự án chưa tốt, chưa có tầm nhìn trung và dài hạn, không có sự đồng bộ giữa tiến độ chuẩn bị dự án với tiến độ giao kế hoạch chi tiết. Do vậy, dẫn tới tình trạng vốn chờ dự án. Đó là chưa nói việc phải điều chỉnh dự án nhiều lần, làm tăng chi phí, đội vốn, khiến thủ tục kéo dài, chậm quá trình giải ngân…
Đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ tăng cường cơ sở hạ tầng, kiến thiết đất nước, từ đó thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mà còn thực hiện nhiệm vụ ổn định nền kinh tế, tăng phúc lợi xã hội, tạo điều kiện nâng cao công bằng xã hội; đồng thời, giải quyết việc làm trực tiếp cho một bộ phận lớn lao động trên các công trường của dự án…
Tại Thừa Thiên Huế, xác định tầm quan trọng của đầu tư công trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp quyết liệt như thành lập 4 tổ công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án… Mặc dù vậy, kết quả giải ngân vẫn chưa cao. Đến giữa tháng 10 vừa qua, số vốn đầu tư công đã được giải ngân hơn 2.545,813 tỷ đồng, đạt 53,5% kế hoạch, đứng thứ 44/63 tỉnh, thành phố về tỷ lệ giải ngân.
Được biết, để giải ngân được vốn đầu tư công đòi hỏi dự án phải có khối lượng thực hiện, đầy đủ thủ tục… Theo đó, các bước chuẩn bị như: chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng… phải hết sức chặt chẽ. Đặc biệt là phải có kế hoạch từ sớm cho những công trình, dự án tiếp theo; tránh trình trạng khi vốn được bố trí, khởi công rơi vào mùa thời tiết bất lợi.
Năm 2023 đã đến gần, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Công điện số 1076 yêu cầu các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023; trong đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện quy hoạch địa phương; chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất để hoàn thành thủ tục đầu tư, tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi để giải ngân vốn của dự án ngay sau khi được giao kế hoạch vốn năm 2023. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án. Đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt dự án, tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công…
Với sự chỉ đạo từ sớm của Chính phủ, sự tích cực, chủ động của các bộ ngành, địa phương; trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa trong lĩnh vực đầu tư công, hy vọng công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 nói riêng, thời gian tới nói chung sẽ đạt được hiệu quả như ý nghĩa của nó mang lại.
Đặng Thành