Ảnh minh họa.(Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 4 giờ ngày 14/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 13,7 độ Vĩ Bắc; 112,9 độ Kinh Đông, trên khu vực giữa Biển Đông, cách đất liền các tỉnh Quảng Ngãi – Bình Định khoảng 330km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 10-15km/h.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, di chuyển chậm, có thể đạt cường độ cấp 8, giật cấp 10 khi đi vào khu vực Quảng Nam-Bình Định trong sáng 15/10, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Các chuyên gia dự báo ảnh hưởng và tác động đến khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3-5m.
Khu vực giữa Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc Trường Sa) có mưa rào và dông mạnh; gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 3-5m.
Các huyện đảo Lý Sơn, Cù lao Chàm có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh do bão hoàn lưu áp thấp nhiệt đới/bão, cường độ gió mạnh nhất có thể lên tới cấp 8, giật cấp 10, sóng cao 3-5m.
Từ chiều 14/10, vùng ven biển Quảng Trị – Ninh Thuận có gió cấp 7-8, sóng biển cao 2-4m.
Ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên cần đề phòng nước dâng do gió mạnh cao 2-4m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây ngập úng vùng trũng, thấp vào nửa đêm và sáng sớm ngày 15-16/10.
Toàn bộ tàu, thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ chịu tác động của gió giật mạnh, sóng lớn và triều cường.
Từ chiều tối 14/10, khu vực ven biển đất liền các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Cơ quan khí tượng cảnh báo lũ, lũ quét và sạt lở đất trên hầu hết các sông ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ đang ở mức cao, các hồ chứa đang điều tiết vận hành để đón lũ trong đợt mưa từ 14-16/10. Tuy nhiên, dung tích cắt lũ các hồ thủy điện không còn nhiều.
Dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng khu vực miền Trung và Tây Nguyên, với lượng mưa dự báo đến 200-500mm; gây ra một đợt lũ, ngập lụt diện rộng tại khu vực trũng thấp, đồng bằng, ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên, đặc biệt nguy cơ ngập lụt sâu tập trung ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Dự báo các khu vực ngày và đêm 14/10, phía Tây Bắc Bộ sáng sớm có sương mù vài nơi, ngày nắng, đêm không mưa. Đêm và sáng sớm trời lạnh, có nơi trời rét. Nhiệt độ thấp nhất từ 18-21 độ C, có nơi dưới 18 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 27-30 độ C.
Phía Đông Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội sáng sớm có sương mù vài nơi, ngày nắng, gió Đông Bắc cấp 2-3. Đêm và sáng sớm trời lạnh, vùng núi trời rét. Nhiệt độ thấp nhất từ 19-22 độ C, vùng núi có nơi dưới 18 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 27-30 độ C, có nơi trên 30 độ C.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên-Huế phía Bắc có mưa vài nơi; phía Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 2-3. Phía Bắc đêm và sáng sớm trời lạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 19-22 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 25-28 độ C.
Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Gió Đông Bắc cấp 2-3. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 21-24 độ C, phía Nam có nơi trên 24 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ phía Bắc 24-27 độ C; Phía Nam 27-30 độ C.
Khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 17-20 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 23-26 độ C.
Nam Bộ có mưa rào và dông vài nơi; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất từ 29-32 độ C.
Theo TTXVN/Vietnam+