Trúc Chỉ trong những ngôi nhà Việt

Tại cuộc thi Miss Grand International 2022, Đoàn Thiên Ân đại diện cho Việt Nam với bộ trang phục lấy cảm hứng từ Trúc Chỉ của NTK Trần Thanh Tâm đạt được danh hiệu Best National Costume

Trúc Chỉ và thời trang

Những ngày cuối năm 2022, một sự kiện gây xôn xao làng thời trang trong nước khi tại cuộc thi Miss Grand International 2022, Đoàn Thiên Ân đại diện cho Việt Nam với bộ trang phục lấy cảm hứng từ Trúc Chỉ của NTK Trần Thanh Tâm đạt được danh hiệu Best National Costume. Xôn xao bởi Đoàn Thiên Ân có chút sự cố khi bộ trang phục này cồng kềnh và nặng; bởi nó lọt vào top 4 cuộc bình chọn trang phục đẹp nhất. Nhưng quan trọng hơn cả là nó được lấy cảm hứng từ Trúc Chỉ – một loại hình nghệ thuật đến từ Huế. “Tôi chọn Trúc Chỉ để làm nguồn cảm hứng sáng tạo nên bộ trang phục dân tộc vì đây là một tinh hoa nghệ thuật của Huế, của Việt Nam do họa sĩ Phan Hải Bằng cùng cộng sự nghiên cứu, sáng tạo nên”, NTK Trần Thanh Tâm trả lời sau cuộc thi.

Sự kiện này có ý nghĩa như thế nào với Trúc Chỉ ứng dụng? Chúng tôi đặt câu hỏi với Ngô Đình Bảo Vi, người quản lý và điều hành Công ty TNHH Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam. Và câu trả lời rằng: “Trước hết, xin chúc mừng giải thưởng và nhà thiết kế. Đây cũng là tín hiệu vui khi có một lớp người thiết kế trẻ tìm về với những giá trị mang tính dân tộc, tinh thần Việt Nam, làm năng lượng tích cực cho con đường của mình. Về phía Trúc Chỉ, chúng tôi rất vui khi những nỗ lực của Trúc Chỉ đã có thể truyền cảm hứng cho những người sáng tạo kế tiếp. Duy chỉ có một chút đáng tiếc nhỏ, do quá trình kết nối không được chặt chẽ, nên vẫn còn những thiếu sót, không trọn vẹn về khái niệm cũng như biểu hiện tạo hình. Chúng tôi coi đây là bài học lớn cho mình trong việc chuẩn hóa khái niệm cũng như đảm bảo sự kết nối chặt chẽ với các đối tác trong tương lai, nhằm đảm bảo được tính chuẩn xác của giá trị Trúc Chỉ cũng như các yếu tố liên quan”, Ngô Đình Bảo Vi nói.

Chợt nhớ nhiều năm trước, cũng trong một cuộc chuyện với Ngô Đình Bảo Vi, chị bảo “sắp tới Trúc Chỉ của chị sẽ hướng đến thời trang và trang sức…”. Nhân chuyện áo dài Trúc Chỉ của Đoàn Thiên Ân, lại hỏi thì Ngô Đình Bảo Vi cười cười: Ứng dụng Nghệ thuật Trúc Chỉ vào thiết kế thời trang, trang sức, chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn tiếp tục nghiên cứu, phát triển. Chị bảo: “Thực ra, hiện đã có một số nghệ phẩm ở dạng concept và thử nghiệm nội bộ mà chưa được giới thiệu bởi nhiều lý do: tính bản quyền, tính độc đáo, ngôn ngữ thiết kế đặc trưng, sự chưa hài lòng về ý tưởng, chất liệu… Trúc Chỉ vẫn đang làm việc cùng các nhà thiết kế khác, nhằm tạo ra những dòng sản phẩm mang tính cộng hưởng, như tiêu chí “Phép cộng và sự trở về”. Hy vọng các nghệ phẩm này sẽ sớm ra mắt người thưởng ngoạn trong thời gian tới”.

Mandala bằng Trúc Chỉ

Giấc mơ ngày càng thực

Ở ngôi nhà Trúc Chỉ Huế, người sáng lập – họa sĩ Phan Hải Bằng chuyên về sáng tác tạo hình, còn Ngô Đình Bảo Vi chuyên về ứng dụng. Đây vừa là sự phân công công việc, vừa làm cái mình giỏi nhất. Kiểu việc ai nấy làm. Tuy nhiên Ngô Đình Bảo Vi vẫn đều đặn sáng tác chứ không chỉ phát triển ứng dụng không thôi và Phan Hải Bằng vẫn góp ý vào các sản phẩm Trúc Chỉ ứng dụng. Đến thời điểm này, mảng việc mà Ngô Đình Bảo Vi “giỏi nhất” là nghệ thuật ứng dụng – design. Trong đó có nhiều nhánh: Thiết kế sản phẩm Trúc Chỉ (product design); Trúc Chỉ – Phụ kiện: nón, quạt, dù, ví…; Trúc Chỉ – Quà tặng.

Tuy nhiên, nổi bật nhất là dòng Thiết kế nội, ngoại thất Trúc Chỉ (interior/exterior design). Trong đó, bao gồm nhiều dòng sản phẩm có dấu ấn riêng: Trúc Chỉ – Tín niệm Tường minh (dòng tranh tôn giáo và tín ngưỡng dân gian) với nhóm nghệ phẩm chuyên chủ đề tín ngưỡng, tôn giáo, dân gian (đề tài Phật giáo, tôn tượng, tích tuồng, kinh, tranh tôn giáo, không gian thờ phụng, mandala…). Trúc Chỉ – Nghệ thuật trang trí nội thất – không gian sống; không gian chuyên biệt (không gian tâm linh, không gian trà, không gian thiền, thư phòng…). Cùng theo đó là các nhóm nghệ phẩm mới của Trúc Chỉ dành riêng như bình phong, vách ngăn, rèm, bàn trà, bàn rượu, hệ thống đèn, vật dụng chuyên biệt phù hợp với các không gian cụ thể.

Điều thú vị là Trúc Chỉ – một tác phẩm nghệ thuật/một loại hàng hóa đặc biệt nên nó được hình thành cũng theo cách rất đặc biệt. Thay vì được hình thành theo kiểu cái mình có/mình thích hay cái khách hàng/xã hội cần thì Trúc Chỉ lại hướng dẫn khách hàng, tạo trào lưu cho người sử dụng theo xu hướng phát triển của xã hội. Và cũng từ nhiều năm trước, Ngô Đình Bảo Vi đã từng ước ao rằng “đến một ngày nào đó, trong mỗi gia đình Việt Nam đều có sự hiện diện của Trúc Chỉ. Và đến một ngày, Trúc Chỉ được hiện diện ở những không gian xa hoa, tráng lệ nhất Việt Nam như một sự khẳng định của giá trị Việt”.

Bình phong Liên Ngư (Giải khuyến khích Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2022)

Đến giờ, theo Ngô Đình Bảo Vi, mong ước này đang dần trở thành hiện thực và ngày càng rõ nét hơn khi tác phẩm Trúc Chỉ không chỉ có mặt ở Huế mà hầu hết các tỉnh, thành lớn của Việt Nam; từ các không gian sống bình thường đến các không gian trang nghiêm, trang trọng khác. Mới nhất, trong dịp Tết Quý Mão này, “Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam” sẽ ra mắt một trong những dòng nghệ phẩm “Hưng thịnh Gia đình” bằng bộ thiết kế “Bàn thờ Táo Quân” (gồm kệ thờ và tranh bài vị Táo Quân chế tác từ Trúc Chỉ). Bộ nghệ phẩm này được thiết kế chuẩn đẹp, thành kính, chi phí vô cùng hợp lý với mong muốn có thể đến được với mọi gia đình Việt.

“Sự hiện diện của Nghệ thuật Trúc Chỉ tại mọi không gian và sự kiện quan trọng thực sự là nguồn động viên to lớn cho những nỗ lực mà chúng tôi luôn theo đuổi: tạo dựng một giá trị văn hóa mới. Đây cũng là niềm tự hào vì được công nhận và góp thêm một nghệ thuật mới cho Việt Nam, từ Việt Nam”, Ngô Đình Bảo Vi nói. Theo Ngô Đình Bảo Vi, ước mơ nghệ thuật Trúc Chỉ sẽ hiện diện trong mỗi ngôi nhà Việt thực sự là một kế hoạch lớn và dài hơi, cho nên rất cần thời gian nghiên cứu, sáng tạo. Đồng thời cũng rất cần sự đồng hành từ các tổ chức, đoàn thể, tri kỷ để Trúc Chỉ có thể chinh phục được sự yêu mến và tin tưởng đến mỗi gia đình Việt; làm cho thương hiệu “Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam” được biết đến rộng rãi trong và ngoài nước. Bên cạnh đó cũng rất cần những chế tài, cơ sở pháp lý để bảo vệ uy tín, chất lượng của Trúc Chỉ.

Bài, ảnh: Hoàng Văn Minh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …