Cuộc thi “Hoàng mai Huế – Kiệt tác mùa Xuân” đã diễn ra thành công tại công viên Thương Bạc, thành phố Huế. Người dân và du khách đã có cơ hội chiêm ngưỡng và tham gia đánh giá hơn 400 tác phẩm hoàng mai độc đáo từ các nghệ nhân và tổ chức. Sự kiện còn có nhiều hoạt động khác như trao giải thưởng, giao lưu trao đổi kỹ năng và đấu giá sản phẩm hoàng mai.
Cuộc thi “Hoàng mai Huế – Kiệt tác mùa Xuân”
Từ ngày 28/1 đến 7/2, tại công viên Thương Bạc, thành phố Huế đã diễn ra Ngày hội Hoàng mai Huế lần thứ II. Sự kiện này do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Hội Hoàng mai Huế phối hợp tổ chức, đã để lại ấn tượng đẹp, khó quên trong lòng du khách cũng như những người đam mê Hoàng mai Huế.
Trên 400 tác phẩm đặc sắc nhất của các nghệ nhân, tổ chức, nhà vườn đã được trưng bày để người dân và du khách chiêm ngưỡng. Đây là những tác phẩm hoàng mai toà cổ thụ, hoàng mai lớn và hoàng mai bonsai cùng thi tài, khoe sắc.
Ngày hội còn có nhiều hoạt động bình chọn, trao giải thưởng cho các tác phẩm hoàng mai Huế – Tuyệt tác mùa xuân; giao lưu trao đổi kỹ năng, tay nghề; đấu giá sản phẩm Hoàng mai…
Tại ngày hội, Cục Sở hữu trí tuệ đã trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Hoàng mai Huế cho Sở KH&CN – cơ quan quản lý Giấy chứng nhận và Hội Hoàng mai Huế là tổ chức sử dụng Giấy chứng nhận này.
Ban tổ chức Cuộc thi “Hoàng mai Huế – Kiệt tác mùa Xuân” đã bình chọn và trao 14 giải khuyến khích; 7 giải đồng; 5 giải bạc và 3 giải vàng cho các hạng mục. Nghệ nhân Nguyễn Văn Phước và Nghệ nhân Trương Công Huy là hai nghệ nhân xuất sắc nhất trong cuộc thi này.
Tạo cơ hội cho người trồng mai tiếp cận thị trường
Ngày hội Hoàng mai Huế không chỉ là điểm nhấn quan trọng mà còn khởi đầu cho chuỗi sự kiện Lễ hội mùa Xuân theo định hướng Festival bốn mùa. Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tôn vinh và lan toả những giá trị về văn hoá, nghệ thuật của người Huế và thương hiệu Hoàng mai Huế trong dịp Tết đến, Xuân về.
Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu trở thành xứ sở Mai vàng của Việt Nam trước năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, các sở ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động để triển khai Đề án Mai vàng của tỉnh. Hội Hoàng mai cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, như triển lãm các sản phẩm Hoàng mai Huế, tổ chức các phiên chợ, giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm Hoàng mai Huế. Điều này tạo cơ hội cho người trồng mai tiếp cận thị trường chơi mai cảnh khắp tứ phương, đồng thời quảng bá hình ảnh mai vàng xứ Huế và xây dựng Huế trở thành xứ sở hoàng mai Việt Nam.
Nguồn thông tin được tham khảo từ: baothuathienhue
Nội dung được biên tập, sáng tạo thêm bởi: thuathienhue_org