Bức tranh vẽ cảnh thiết Đại triều nghi dịp Ngũ tuần đại khánh năm 1904
Tại phiên đấu giá ngày 29/5/2016, bức tranh vẽ về quang cảnh một nghi lễ của triều Nguyễn tổ chức ở Ngọ Môn, do các họa sĩ thời bấy giờ thực hiện được bán đi với giá 93.750 đô la Hồng Kông (HKD), khoảng 280 triệu VNĐ theo thời giá. Chất liệu vẽ mực nho và màu trên giấy dó, có kích thước 42,5 x 56cm. Bức tranh có chú thích bằng chữ Hán ở bìa phải của tranh với đại ý là “Nước Đại Nam, vào ngày mồng 7 tháng 7 năm Thành Thái thứ 15 (1903), nhân gặp lễ Ngũ tuần đại khánh, thiết Đại triều nghi để cùng chúc thọ tại Ngọ Môn, trước sân tiếp đón Khâm sứ Đại Pháp cùng các thuộc viên ở quán cục, vâng mệnh vẽ lại thành tranh”.
Chú thích chữ Hán trên tranh không khớp với sử liệu thời Nguyễn qua chi tiết sau: năm Thành Thái thứ 15 (1903) không có lễ Ngũ tuần đại khánh nào cả. Theo Đại Nam thực lục phụ biên, chỉ có lễ Ngũ tuần đại khánh của hoàng thái hậu Từ Minh – Phan Thị Điều vào năm Thành Thái thứ 16 (1904) được tổ chức tại cung Ninh Thọ mà thôi và trong lễ này có cả Quyền Khâm sứ Trung kỳ Jean-Ernest Moulié cùng các thuộc viên cũng đến chúc mừng. Thực lục cũng chép là “theo lệ trước nay có thiết triều nhận chúc mừng, năm ấy vâng sắc chuẩn cho đình”, tức là không thực hiện nghi thức thiết triều để nhận chúc mừng. Vì sao chữ Hán trên tranh lại viết là “Thành Thái thập ngũ niên” (1903), không khớp với sử liệu và sai lệch so với thực tế? Vì sao triều đình đã không đặt thiết triều đối với sự kiện Ngũ tuần đại khánh năm ấy, nhưng tranh vẽ vẫn mô tả cảnh này?
Xem bức tranh cũng có thể thấy các hoạt động của con người được miêu tả lại sát đúng với nghi tiết điển lệ của buổi lễ Thánh thọ (sinh nhật Hoàng thái hậu). Nổi bật là 2 điệu múa Hồng hoa chi (8 vũ sinh ở giữa tranh) và Tam tinh chúc thọ (3 nhân vật ở giữa trước tranh), điệu múa dùng trong lễ Thánh thọ. Vì sao lại có tranh vẽ không đúng với niên đại và địa điểm gắn liền với một sự kiện cụ thể, điều này cần có sự nghiên cứu thêm. Nhưng dù sao, tác phẩm là bức tranh cổ có giá trị, nhất là về mặt tư liệu liên quan đến những sinh hoạt nghệ thuật chốn hoàng cung xưa.
Bức tranh “Ngự đạo trong lễ Tế Giao” vẽ theo lối thủy mặc bằng mực nho và màu nước trên vải cũng đã được đấu giá vào ngày 6/10/2019 và bán đi với giá 112.500 HKD, khoảng 330 triệu VNĐ. Cũng theo thông tin của Sotheby’s Hồng Kông, niên đại bức tranh này ước định khoảng từ 1885 – 1925, do xưởng vẽ hoàng cung Huế thực hiện. Trong bức tranh, đoàn ngự đạo được miêu tả đủ ba đạo: tiền đạo, trung đạo, hậu đạo; các thành phần, thứ tự cùng đoàn ngự đạo cũng phù hợp với những nội dung trong sử liệu triều Nguyễn… Bức tranh này cũng tương tự bức vẽ đoàn ngự đạo trong lễ Tế Giao năm 1842 dưới thời Bảo Đại, do nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đề cập có dòng chữ Hán Ngự giá Nam giao Đại tự cũng miêu tả khá chi tiết thứ tự của đoàn ngự đạo.
Đặc biệt, Sotheby’s đã từng đấu giá các bức trấn phong và tranh sơn khắc do Trường Mỹ thuật Đông Dương thực hiện từ năm 1928 đến 1938.
Một bức trấn phong có 2 mặt được thực hiện bằng kỹ thuật sơn khắc tuyệt đẹp, gồm 10 tấm sơn mài ghép lại, tổng thể rộng 275cm x cao 160,5cm. Toàn bộ họa tiết khắc trên trấn phong mô-tip họa tiết cung đình Huế. Bức trấn phong này được bán đấu giá tại Hồng Kông vào ngày 5/10/2015 và giá chốt cuối cùng để bán ra là 875.000 HKD, khoảng 2,5 tỷ VNĐ. Mặt trước ở lòng chính khắc vẽ không gian đại triều từ góc nghiêng trên cao xuống. Mặt sau ở lòng chính khắc vẽ 32 bức hình, đặc biệt ở 22 ô khắc 22 bài thơ, gồm thơ của vua Lê Thánh Tông, vua Tự Đức, Thái Thuận, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương và Bùi Văn Dị. Hiện nay, ở Việt Nam còn 3 trấn phong tương tự (Dinh 2, Lâm Đồng; tòa Tổng lãnh sự quán Pháp tại TP. Hồ Chí Minh và Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, riêng bức ở Bảo tàng chỉ còn 4 tấm).
Tương tự lối vẽ ở trấn phong trên về bố cục, hình họa ở mặt trước (mặt sau là tranh với đề tài hoa điểu) một trấn phong khác đã được bán vào ngày 4/10/2010 với giá 1.100.000 HKD, khoảng 3,3 tỷ VNĐ. Trong số đó, cũng từ cảm hứng chính cảnh Ngọ Môn nói trên, một bức tranh sơn khắc gồm có 6 tấm ghép lại lại bán đấu giá vào ngày 5/10/2015 là 1.500.000 HKD, khoảng 4,4 tỷ VNĐ.
Toàn bộ các tranh sơn khắc về Ngọ Môn đó đều có nguồn gốc từ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Xem tranh về các nghi lễ xưa ở Huế và nhìn lại các sự kiện đấu giá mới hiểu thêm những giá trị về văn hóa, nghệ thuật xưa của Việt Nam, biết thêm sự thất tán về cổ vật, tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam là rất lớn…
Bài, ảnh: Nguyễn Phước Hải Trung