Mới đây, trên một số tờ báo đưa tin về việc 3 cán bộ của thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thỏa thuận, tự bỏ tiền túi 360 triệu đồng (120 triệu đồng/người) ra bồi thường cho 18 ngư dân để khắc phục hậu quả do mình gây ra. Tuy là khắc phục việc làm sai, nhưng đáng nói là việc khắc phục trước khi có yêu cầu bồi thường của Nhà nước, đã cho thấy tinh thần trách nhiệm và sự sòng phẳng, cầu thị, là một việc làm ít thấy của cán bộ ở cơ sở.
Nguồn cơn của câu chuyện bắt đầu khi HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nghị quyết về chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế hộ trong phát nông nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh. Thời gian thực hiện nghị quyết này không phải là ngắn (tháng 4/2018-12/2020), nhưng bởi nhiều lý do chủ quan và khách quan nên nhiều ngư dân không biết chính sách để làm hồ sơ. Một số hộ làm hồ sơ đầy đủ, nộp đúng thời gian thì lại bị cán bộ có trách nhiệm của địa phương “ngâm” không xét, để quá thời hạn khiến 18 ngư dân không được nhận tiền hỗ trợ chính đáng.
Trong cuộc sống hiện nay, những biểu hiện sự né tránh trách nhiệm, làm không hết chức trách, nhiệm vụ trong quá trình thực thi công vụ diễn ra muôn hình vạn trạng ở các cấp, các ngành. Nhưng ít cán bộ công chức mạnh dạn nhận trách nhiệm về mình. Họ nại ra đủ lý do, từ nguyên nhân chủ quan đến cơ chế, chính sách chưa rõ ràng; việc phân cấp phân nhiệm chưa cụ thể, chồng chéo. Họ đổ cho cơ chế lãnh đạo tập thể, trách nhiệm của tập thể nên rất khó quy trách nhiệm cho cá nhân cụ thể, trừ khi chính bản thân sai phạm, bị pháp luật xử lý thì họ mới chịu đền bù để khắc phục hậu quả, để được xem xét giảm án.
Thực tế hiện nay, những quy định của Đảng và Nhà nước đều thực hiện theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Một người có thể làm nhiều việc, nhưng một việc chỉ giao cho một đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm. Với nguyên tắc này, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đã rõ ràng. Đơn vị, cá nhân làm sai thì phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả do mình gây ra.
Theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật số 10/2017/QH 14), khi cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường theo quy định. Người thi hành công vụ gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại… Điều đáng nói ở câu chuyện 3 cán bộ nhận sai sót và chủ động thỏa thuận bồi thường cho người dân, không chỉ giảm rất nhiều thời gian, công sức, thủ tục của các cơ quan Nhà nước và người dân, mà quan trọng hơn là xây dựng được lòng tin của người dân đối với chính quyền và đội ngũ cán bộ. Đây là điều cần được nhân rộng, thể hiện trách nhiệm và sự công bằng trước pháp luật.
Không chỉ trong giải quyết thủ tục hành chính, trong công tác tổ chức cán bộ cũng vậy. Quy định 80- QĐ/TW về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, vừa được Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành cũng quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác này.
Theo đó, Bộ Chính trị nêu rõ, cá nhân, tập thể đề xuất cán bộ phải chịu trách nhiệm chính trước cấp có thẩm quyền về đánh giá, nhận xét, kết luận tiêu chuẩn chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác, ưu khuyết điểm; kê khai tài sản, thu nhập. Cơ quan thẩm định chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định, thẩm tra, rà soát thông tin đối với nhân sự được đề xuất. Tập thể quyết định bổ nhiệm cán bộ và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Với quy định này, những cá nhân lợi dụng quyền hạn, chức vụ của mình để giới thiệu “bừa” người không đủ tiêu chuẩn về chính trị tư tưởng, đạo đức tác phong, năng lực chuyên môn vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt sẽ phải chịu trách nhiệm trước tiên. Không thể lấy “bình phong” tập thể để trốn tránh trách nhiệm khi giới thiệu người “ngồi nhầm ghế”. Trách nhiệm luôn phải được đặt hàng đầu và cũng là nhân cách cần có của người cán bộ, đảng viên.
Hoàng Minh