Tinh thần trẻ của lễ hội

Công chúng trẻ tại chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn trong khuôn khổ Festival Huế 2022

Trả lời phỏng vấn Báo Thừa Thiên Huế trước thềm khai màn Festival Huế 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình – Trưởng Ban Tổ chức Festival Huế 2022 thông tin, một hướng đi mới của lễ hội mang tính thử nghiệm là tinh thần tươi mới, bên cạnh sự cổ kính và các giá trị văn hóa truyền thống được phô diễn. Theo đó, không ít sân khấu, chương trình được xây dựng, hướng đến công chúng trẻ.

Có mặt tại sân khấu chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn tối 27/6 tại quảng trường Ngọ Môn, chúng tôi đã cảm nhận được tinh thần trẻ ấy khi trên khán đài, trong số 6.000 khán giả, chiếm lượng không nhỏ là những gương mặt trẻ.

Là một trong những chương trình đã từng gắn bó, đồng hành qua nhiều kỳ Festival Huế, công chúng gần như đã quen thuộc với một không gian nhạc Trịnh phiêu du, tri kỷ ở khuôn viên Đại Nội Huế với những giọng ca kinh điển như Ánh Tuyết. Nhưng lần này, tổ chức tại không gian mở ở Ngọ Môn, với sân khấu hoành tráng và hiện đại, với 6.000 khán giả, cùng hàng ngàn ánh đèn flash từ những chiếc smartphone từ khán đài, đêm nhạc Trịnh tại Festival Huế 2022 thực sự đã tạo được dấu ấn tươi mới.

Cái mới cũng được phô bày với chương trình được “trẻ hóa” với sự góp mặt của những gương mặt rất trẻ như Saxophonist An Trần, ca sĩ trẻ Cece Trương, nhóm múa đương đại Lyricist và Alex Tú. Đặc biệt là sự xuất hiện của Rapper Hà Lê (sinh năm 1984), một trong những nhân vật nổi bật nhất của Rap Việt hiện nay. Lần đầu được nghe nhạc Trịnh qua Rap, quả là một trải nghiệm lạ với khán giả Huế.

Có thể một bộ phận khán giả có tuổi chưa hẳn dễ dàng thích ứng với cách làm mới nhạc Trịnh này. Nhưng nhiều người dân Huế đã đồng cảm với chia sẻ của Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định ngay sau buổi diễn, trên trang facebook cá nhân của ông, rằng: Khán giả Huế không hề dễ tính, nhưng có lẽ khi đủ chiều sâu, người ta sẽ sẵn sàng tinh thần để chấp nhận những đổi mới và bao dung cho những thử nghiệm. Nghệ thuật sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ khi có thật nhiều những khán giả tuyệt vời. Sự tuyệt vời ấy, có thể cảm nhận được rất rõ ở sự nồng nhiệt đón nhận cái mới một cách cởi mở từ công chúng – một thế hệ trẻ nghe nhạc Trịnh.

Ở các sân khấu khác, tinh thần trẻ của lễ hội cũng được bắt gặp ở Unity Huế – một trong những vũ đoàn trẻ của Huế, hay Nine Family – nhóm nhảy có tuổi đời 10 năm ở Cố đô. Chất trẻ cũng “rực lửa” khi hàng ngàn khán giả trẻ hòa mình cùng ban nhạc trẻ Chillies và Da Lab. Lắng đọng hơn là chương trình violon của nghệ sĩ trẻ Việt Hoàng Rob …

Lần đầu thử nghiệm, tinh thần tươi mới của Festival Huế 2022 đã đem đến cho lễ hội không khí sôi động hơn, năng động hơn khi đã chạm đến nhu cầu, gu thưởng thức nghệ thuật của giới trẻ – thế hệ công chúng tiềm năng, cũng là thế hệ chủ nhân tiếp nối của một thành phố lễ hội.

Những tín hiệu khả quan từ sự hưởng ứng của công chúng trẻ, với những người tổ chức, là thành công bước đầu, như một phép thử cho lộ trình, bước đi tiếp theo, để Festival Huế chạm đến, đánh thức được công chúng – yếu tố quan trọng làm nên thành công và thương hiệu của lễ hội.

Nhu cầu là có thực. Vấn đề còn lại sau lễ hội là làm gì để Huế có thường xuyên hơn, nhiều sân chơi hơn cho giới trẻ? Không chỉ là tham gia với vai trò khán giả, Festival Huế phải là sân chơi cho giới trẻ, để họ sáng tạo, tham gia, thử nghiệm những ý tưởng, với vai trò chủ thể của lễ hội.

Không chỉ là quảng diễn, trưng bày, tổ chức cuộc thi…, sau những lễ hội áo dài, lễ hội ẩm thực, các cuộc thi như đua thuyền sup trên sông Hương hay diễu hành ô tô cổ, làm sao để qua mỗi kỳ lễ hội, Huế có thêm những thương hiệu, sản phẩm dịch vụ du lịch mới ổn định, tạo nguồn thu, thêm công ăn việc làm và làm sang cho ngành công nghệ văn hóa của Huế?

Một phần quan trọng trong câu trả lời, chính là vai trò của thế hệ trẻ cần được khơi gợi, nâng đỡ.

Bài, ảnh: Kim Oanh

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …