Mở đầu cho tháng 5 âm lịch là Ngày hội Sen Huế 2022 với chủ đề Tinh hoa của đất trời. Nghĩ về sen và lễ hội sen, tôi lại nhớ về phim “Hoa sen”, tiếng Pháp là “Le Lotus dans tous ses états”, của đạo diễn Pháp lai Philippe Rostan có mẹ là một người Việt thuộc dòng họ Hồ ở Huế. Được phổ biến trên youtube, cuốn phim dài 55 phút ghi lại hình ảnh sen qua nhiều thể trạng, được đánh giá là gây cảm xúc thẩm mỹ, vừa lãng mạn lại vừa hiện thực.
Có lẽ, cũng như phim của Philippe Rostan, sen – tinh hoa của đất trời – trong Ngày hội Sen Huế được khai thác ở nhiều góc nhìn khi cùng lúc có nhiều chủ đề: sắc sen, vị sen và hương sen. Sắc sen gắn với đêm khai mạc và giới thiệu bộ sưu tập áo dài “Sen”của nhà thiết kế Viết Bảo. Vị sen giới thiệu về ẩm thực sen Huế gồm không gian với các gian hàng được thiết kế bằng các nguyên liệu: tranh, tre, lá sen, hoa sen. Còn hương sen là hoạt động triển lãm các sản phẩm nghệ thuật về sen.
Ở Huế có hồ Tịnh Tâm, người Huế quen gọi là hồ Tịnh. Nhắc tới hồ Tịnh là nghĩ ngay tới sen. Ca dao miền Hương Ngự có câu: “Hồ Tịnh Tâm nhiều sen bách diệp, đất Hương Cần ngọt quýt, thơm cam…”. Nghe kể, sen bách diệp có hoa nhiều cánh nhỏ màu hồng, được thiên hạ tôn vinh là “giống sen quý nhất trong tất cả giống sen”. Có khả năng bách diệp chỉ thắm sắc khoe hương vào giai đoạn thịnh thời của thượng uyển Tịnh Tâm, giờ chỉ là hoài niệm đẹp. Vậy nhưng, sen Huế thì vẫn còn đó, cao sang và thanh tịnh, trang nhã mà vẫn rực rỡ. Và nữa, bây giờ về các vùng quê ở Huế, đi đâu cũng thấy hồ sen, ao sen…
Một thời, người Huế nổi tiếng với cách uống trà ướp sen. Đêm đêm, người ta chèo thuyền ra hồ, bỏ trà vào giữa hoa sen, bó nhẹ hoa lại, mỗi bông hoa “ôm” trà đủ cho một ấm. Mỗi buổi sáng ban mai, trà vướng vít hương thơm đất trời kia được pha với sương mai tinh khiết. Không chỉ có trà, ẩm thực sen Huế còn có cơm sen, chè hột sen, mứt hột sen, bánh sen… Nói về ẩm thực sen ở Huế thì câu chuyện chế biến hay thưởng thức vẫn chưa đủ. Các món sen nổi tiếng đều được kỳ công trang trí tinh tế, thường phải đạt đến hàng “đệ nhất diễm lệ”, có thể thưởng thức bằng mắt.
Nhớ lần đầu tiên tại Festival Nghề truyền thống Huế 2019 xuất hiện nón lá sen. Từ ý tưởng và thử nghiệm của họa sĩ trẻ Nguyễn Thanh Thảo, qua bàn tay khéo léo của những người thợ làng nón Đốc Sơ (Huế), nón lá truyền thống và chiếc lá sen tưởng như bình thường đã trở thành sản phẩm biến tấu nón lá sen độc đáo. Không dừng lại, Nguyễn Thanh Thảo còn đưa lá sen vào các sản phẩm thủ công mỹ nghệ là những chiếc tráp đựng trang sức, bình hoa trang trí lá sen hay những chiếc đèn lồng, quạt, tranh lá sen.
Tinh hoa của đất trời được kỳ vọng sẽ dần tạo nên sự kiện thường niên tại Huế nhằm mang đến cho công chúng cùng du khách cơ hội được trải nghiệm, khám phá về văn hóa, ẩm thực đa dạng, phong phú và đặc sắc của xứ Huế. Còn với tôi, từ những gắn bó từ rất lâu đời trong mọi khía cạnh thường nhật của cuộc sống đến lễ hội sen là nét văn hóa, cách ứng xử và tôn vinh những giá trị của loài hoa “gần bùn mà chẳng hội tanh mùi bùn”. Sen đẹp và càng lung linh hơn qua cảm nhận, trân quý, sự tôn vinh và đôi bàn tay của người dân xứ Huế.
ĐAN DUY