Tin ở Ngô đồng

Đã qua khá lâu rồi mùa hoa ngô đồng, loài hoa mà theo truyền thuyết chim phượng hoàng linh thiêng về đậu thì sẽ có thánh nhân ra đời. Chính vì thế mà ngô đồng được xem là loài hoa vương giả. Nhưng với em, ngô đồng là loài hoa của những chia sẻ lặng thầm.

Mới mùa hoa năm trước, khi dịch COVID-19 bùng phát, Đại Nội tạm đóng cửa dừng đón khách để phòng dịch bệnh. Em đến với ngô đồng trong không gian Đại Nội vắng lặng. Không sai lời, từng chùm hoa vẫn nở như lời đã hẹn cùng thiên thu “Ngô đồng nhất diệp lạc/Thiên hạ cộng tri thu” (một chiếc lá ngô đồng rơi báo thiên hạ biết đất trời đã sang thu). Hôm trước, chắc gió nhiều nên sáng ấy một mảng sân gạch xưa tím những cánh ngô đồng.

Em viết hoa hai chữ ngô đồng trên nền rêu của viên gạch cổ. Viết chữ ra tự nhiên em thấy đẹp chi lạ. Ngô đồng – thật sang trọng và thanh nhã. Em từng nghe kể cây Dao cầm trong chuyện tiếng đàn tri âm, tri kỷ Bá Nha – Tử Kỳ (thời Trung Hoa cổ đại) là được làm từ gỗ cây ngô đồng. Có phải vậy chăng mà tất cả những gì vây quanh ngô đồng, ngoài vẻ đẹp của huyền thoại, truyền thuyết còn mang thêm vẻ đẹp của sự lãng mạn, bay bổng. Nhưng sáng ấy hình như có hai con người trong em. Nhìn lên cao, những chùm hoa ngô đồng tím nhẹ như tơ mang một vẻ đẹp kiêu sa không gì sánh nổi, em thầm nghĩ đây đúng là cây quý xứng với chim phụng hoàng, nhưng khi tay em chạm vào những cánh hoa rơi trên đất, tự nhiên em thấy man mác buồn – một nỗi buồn không biết từ đâu cứ bao quanh. Những cánh hoa này vương giả trên cao giờ rơi xuống đất nghe buồn hiu. Em bỗng nghĩ đến những người con gái đẹp đã từng ở chốn này, họ đã bao lần ngắm hoa thấy buồn?!!!

Như bao đứa trẻ khác, em cũng từng mê công chúa, hoàng hậu. Đó là những người đẹp sống trong một thế giới lụa là, mềm mại và thơm tho. Nhưng rồi những bộ phim cổ trang cung đấu dài hàng trăm tập chiếu trên tivi mỗi tối hay tràn ngập trên youtube đã làm vỡ dần những chiếc bong bóng rực rỡ sắc màu về thế giới đã từng rất thực ấy trong em và trong cả nhỏ bạn khi nó tuyên bố: “Sống mà đấu đá mệt mỏi như rứa thì tau thà ở nhà làm ruộng còn hơn”.

Riêng em, thế giới hoàng tử, công chúa, vương quyền ấy vỡ vụn ra khi lần đầu tiên vào Đại Nội xem chương trình “Ký ức cung nữ” trong mùa Festival Huế 2016. Tại bãi cỏ phía sau điện Cần Chánh, xưa kia là Tam Cung Lục Viện, nơi sống của các cung nữ, thứ phi (thuộc Tử Cấm Thành) người ta dựng những căn phòng cách điệu và các cung nữ rất xinh đẹp trong trang phục cung đình xưa, thơ thẩn trong căn phòng nhỏ vắng lặng của mình bên ánh đèn lồng mờ mờ tỏ tỏ. Nó buồn, chao ơi là buồn. Những cô gái mơn mởn xuân thì ấy, người thì đàn hát, người thì viết thơ, họa hay chải tóc, soi gương… và chờ nhà vua đến với mình. Người đẹp thì nhiều mà quân vương chỉ có một nên không thiếu những tiếng thở dài ngậm ngùi, mòn mỏi. Còn nhớ khi kể về chuyện cung đình xưa, mạ em cũng hay nói “có người con gái vào cung cả đời không gặp được vua một lần, sống cho đến già hay lụi tàn thế nào cũng không ai biết”. Nếu có chăng, chỉ là một dòng ngắn gọn trong sổ sách cho biết có một người con gái đến trong cuộc đời này, có họ tên, quê quán, mẹ cha, ngày sinh và ngày mất.

Cái gì có rực rỡ thì cũng có tàn phai. Em nhặt những cánh hoa ngô đồng, cố gắng bỏ vào túi thật nhẹ nhàng để không làm đau hoa thêm một lần nữa, nghĩ rằng những cánh hoa vương giả ở trên cao đâu phải chỉ có gió và mây trời, cũng mưa sa, cũng nắng chính ngọ, cũng như những bậc mẫu nghi thiên hạ, ở ngôi cao nhất chốn hậu cung cũng nhiều nỗi lòng, nỗi đời…

Ngô đồng ở Huế bây giờ cũng được trồng ở các công viên dọc đôi bờ sông Hương. Cao trên nền trời xanh, những chùm hoa tim tím vươn lên, nhẹ nhàng, thanh thoát. Chim phụng hoàng vẫn chưa một lần xuất hiện. Bây giờ thì em tin vào những giọt nước mắt cung nữ rơi đêm khuya, tin những tiếng thở dài, tin một chiếc lá rơi, dù rất khẽ cũng có sức lay động cả thiên hạ, cũng như tin “khóe thu ba gợn sóng” cũng đủ sức “khuynh thành” như tin cái màu tím của hoa ngô đồng trên cao kia, vô ngôn mà đẹp lộng lẫy.

Những vẻ đẹp lộng lẫy vốn không cần nhiều màu sắc và nhiều lời.

Xuân An

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …