Tiếp tục hoàn thiện mô hình quản lý và ưu đãi đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao tính liên kết, hợp tác phát triển giữa các Khu công nghiệp, Khu kinh tế

Phát biểu khai mạc diễn đàn Vụ trưởng Vụ quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thành Quân, nhấn mạnh: Diễn đàn xúc tiến đầu tư và định hướng phát triển Khu công nghiệp, Khu kinh tế nhằm mục đích chia sẻ những thông tin cập nhật về môi trường đầu tư ở Việt Nam, các chính sách của Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất phục hồi sau đại dịch Covid-19 và giới thiệu một số mô hình khu công nghiệp mới. Qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, hiện nay, trên cả nước đã có 395 khu công nghiệp được thành lập (kể cả các khu công nghiệp năm trong các khu kinh tế) tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng diện tích gần 123 nghìn ha; 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ven biển, với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng 871,5 ngàn ha. Qua đó, phát huy tinh thần yêu nước, bản lĩnh, vượt qua khó khăn, thách thức, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững, đoàn kết, chung tay, chung sức, đồng hành cùng các cấp, các ngành, các địa phương chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra.

Tại điểm cầu trực tuyến tỉnh Thừa Thiên Huế

Thông tin về tình hình thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, ông Trần Quốc Trung, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế cho hay, tính đến cuối tháng 10/2021, đã có 10.996 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 230,2 tỷ USD, vốn đầu tư thực hiện khoảng 69%. 10.211 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 2,54 triệu tỷ đồng, vốn thực hiện khoảng 46,5%. Đáng chú ý, có một số dự án lớn của các tập đoàn như Samsung khoảng 17 tỷ USD, LG 1,5 tỷ USD, Formosa 12 tỷ USD, hay các dự án của Vingroup, Trường Hải, Hòa Phát…

Tại diễn đàn, các đại biểu đã có những trao đổi về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế bối cảnh hậu Covid-19 như môi trường đầu tư Việt Nam và một số khuyến nghị chính sách – Góc nhìn từ các doanh nghiệp Nhật Bản;Tổng quan về phát triển và định hướng thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế; Chính sách hỗ trợ đối với khu vực sản xuất để thúc đẩy phục hồi sau dịch bệnh; Chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay và sau dịch bệnh; Một số vấn đề pháp lý cần lưu ý đối với nhà đầu tư khi đầu tư vào Việt Nam.

Về cơ hội đầu tư từ các mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới, tại diễn đàn các đại biểu đến từ các Tập đoàn, Công ty, doanh nghiệp đã có những tham luận về mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với phát triển bền vững; Phát triển khu công nghiệp kỹ thuật cao Khu công nghiệp, khu kinh tế gắn với phát triển quy hoạch đô thị và dịch vụ tiện ích cho người lao động; Phát triển khu công nghiệp đón dòng vốn FDI sau đại dịch; Mô hình Khu công nghiệp chuyên ngành về công nghệ thông tin.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh đã đổi mới cách tiếp cận xúc tiến đầu tư, nhằm khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh, tăng cơ hội thành công cho doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đã đầu tư duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong điều kiện dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, tỉnh xây dựng các mục tiêu và giải pháp trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm để chủ động tiếp xúc vận động và kêu gọi đầu tư vào tỉnh. Tỉnh đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các báo, tạp chí, đài truyền hình tuyên truyền, quảng bá phục vụ công tác xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức.Cổng Thông tin điện tử tỉnh cũng đã xây dựng chuyên trang, chuyên mục dành cho doanh nghiệp, cập nhật kịp thời, đầy đủ các chủ trương, cơ chế chính sách, dự án thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi tìm hiểu thông tin về đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cùng với đó, Thừa Thiên Huế đã rà soát cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Quan tâm hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có được mặt bằng nhanh chóng, thuận tiện sớm đi vào hoạt động. Qua đó, hỗ trợ cung ứng và đào tạo lao động, rà soát quy hoạch phát triển nguồn nhân lực gắn với quy hoạch tỉnh, gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Khuyến khích hỗ trợ nhà đầu tư nhất là nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào hoạt động hợp tác giáo dục đào tạo nhằm trang bị những kiến thức, trình độ khoa học- kỹ thuật cho người lao động.

Đồng thời tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm quỹ đất, hiệu quả đầu tư cao. Do đó, tỉnh đã xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ cùng với việc tăng cường hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …