Nụ cười mãn nguyện của người mẹ khi được ngân hàng tiếp sức cho con đến trường
Chấp cánh
Theo chân cán bộ tín dụng trong một chiều mưa rả rích của ngày đầu tháng 3, chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Bắp và anh Trần Anh, tổ dân phố 3, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc. Trong căn nhà nhỏ mới được đầu tư sửa chữa từ số tiền hỗ trợ của các con đi làm gửi về và số tiền vận động hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Phú Lộc, anh chị không ngớt lời chia sẻ về những đổi thay của gia đình và niềm tự hào của một hộ từng được ví là “hộ nghèo bền vững” (theo cách nói của chị tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn) nuôi dạy 4 đứa con “thành tài”.
Được biết, gia đình chị Nguyễn Thị Bắp và anh Trần Anh là hộ nghèo kể từ năm 2008 của thị trấn Phú Lộc. Bởi, hai vợ chồng chị thường xuyên ốm đau, không có công việc ổn định, thu nhập chủ yếu của gia đình từ nghề khai thác thủy sản tại đầm Cầu Hai. Cuộc sống tuy khó khăn, nhưng cả 4 người con đều rất ngoan và học giỏi. Nhìn các con say mê với con chữ, vợ chồng chị lại thêm đau đáu với một niềm riêng “làm sao con được học hành đến nơi đến chốn và để đổi đời”.
Cơ duyên giúp anh chị tiếp cận với nguồn vay từ chương trình vay vốn học sinh sinh viên, từ đây, anh chị yên tâm cho con theo đuổi nghiệp học.
Chị Hoàng Thị Thanh, Tổ trưởng Tổ TK&VV tổ dân phố 3, thị trấn Phú Lộc bộc bạch, dù là hộ nghèo bền vững của tổ, cuộc sống phải chạy ăn từng bữa chưa bao giờ chị Bắp nghĩ sẽ cho con dừng việc học. Và anh chị luôn tìm mọi cách để cho 4 người con được đến trường với các bạn cùng trang lứa. Vì thế mà Ban quản lý tổ xác định luôn đồng hành hỗ trợ anh chị trong suốt thời gian này.
Tính từ năm 2011, khi người con đầu của chị trúng tuyển vào Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng và lần lượt những người con của chị đều trúng tuyển vào các trường đại học, chị đã vay 211,5 triệu đồng từ chương trình vay vốn HSSV. Đến nay, 2 người con lớn đã ra trường có công việc ổn định phụ giúp ba mẹ. Hiện, dư nợ vốn vay cho người con thứ nhất và thứ hai ăn học đã được chị hoàn trả hết nợ cho Ngân hàng Chính sách xã hội, hai người con còn theo học đang còn dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 122,5 triệu đồng. Đến cuối năm 2022, gia đình chị tự hào đã chính thức thoát cận nghèo sau gần 15 năm là hộ nghèo, hộ cận nghèo của thị trấn Phú Lộc.
Để chương trình thật sự là “bà đỡ”
Không riêng gia đình chị Bắp, mà nhiều HSSV đang được chương trình vay vốn HSSV tiếp sức. Chỉ tính riêng Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc, đến cuối tháng 2, dư nợ cho vay chương trình HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định số 157 là 20,5 tỷ đồng với 573 khách hàng đang còn dư nợ. Ngoài hỗ trợ từ chương trình này, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đang triển khai cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học trực tuyến theo Nghị quyết 11 với số tiền hơn 1 tỷ đồng, với 83 khách hàng đang còn dư nợ.
Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc – Lê Thanh Bình chia sẻ, với mức vay tăng lên 4 triệu đồng/tháng/HSSV đã tạo thuận lợi hơn cho con em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn có thêm cơ hội được tiếp tục đến trường. Nhất là đối với nhiều gia đình có con đang theo học đại học.
Để tín dụng ưu đãi HSSV thực sự trở thành “bà đỡ” cho nhiều gia đình nghèo, đối tượng chính sách, phòng giao dịch sẽ tăng cường phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tín dụng ưu đãi dành cho HSSV đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội có văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát nhu cầu vay vốn HSSV có hoàn cảnh khó khăn để tất cả các sinh viên không phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng phối hợp các hội đoàn thể tổ chức tập huấn cho Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn về việc hướng dẫn lập hồ sơ cho vay HSSV để Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân kịp thời, đáp ứng nhu cầu học tập của HSSV.
Bài, ảnh: TẤN – ANH