Tiếng rao đêm

Một tiếng rao thoảng qua vừa gần vừa xa, vừa mộng vừa thực. Tiếng rao dồn ứ lại dưới những hình ảnh mờ mờ ảo ảo, nhưng rõ ràng đến kỳ lạ, khi tôi mường tượng lại từng dáng dấp, từng chiếc nón cũ kỹ tơi sương trong đêm khuya rảo chân ở phố thành phố thị, hay các ngóc ngách, ngõ hẻm, hoặc trên những chuyến xe đường dài, những chuyến tàu rời ga.

Tôi nhớ, tôi quên khi tôi rời đi từ phố thành này đến phố thành khác, từ đại dương này đến đại dương khác, rồi tôi lại mong mỏi hoài niệm đến khắc khoải âm thanh từ ngõ Ngự Bình. Một tiếng rao, một người đàn ông bán bánh bao kiên trì có mặt hàng đêm đạp xe qua các ngõ kiệt ở xóm trọ sinh viên Ngự Bình, vòng xuống Duy Tân, dù tôi không biết ông bán được bao nhiêu cái bánh bao bằng tiếng rao khàn khàn, “ai bao đây”, cho đến khi mệt nhoài đứt quãng, “ai bao…” lặp đi lặp lại nhiều lần.

Tôi không biết khoảng chừng ấy năm rời xa xóm trọ Ngự Bình để phiêu bạt xứ người, tiếng rao kia có còn hiện diện, có còn kiên trì vòng lên vòng xuống từ Ngự Bình đến Duy Tân hay những xóm trọ sinh viên khác chỉ để mở thùng bánh bao bốc khói, gói nhanh vài chiếc bánh cho đám sinh viên đỡ đói khi thức đêm. Tôi không biết chừng ấy thời gian là ngắn hay dài đối với một đời người, may – rủi, sống – chết chỉ cách nhau trong gang tấc?

Huế, thành phố nhỏ bé ấy gần gũi với tôi, không chỉ là nơi tôi đã rong ruổi những tháng năm tuổi trẻ, nơi tôi trở về những tháng năm tuổi thơ với làng biển quê nội. Huế còn níu kéo tôi bởi những hình ảnh chân chất, những âm thanh quê kiểng đâu đó trên ga tàu, dưới lòng phố giữa trưa hè. Và kể cả những đoạn đường dài phiêu bạt từ núi rừng về với Huế trên những chuyến xe đêm.

Tiếng rao đêm ấy có thể đi xa đến đâu?

Tiếng rao đêm ấy có thể dừng lại ở những ngóc ngách, ngõ hẻm nào khác ngoài Huế nữa chăng? Hẳn nhiên, khắp mọi nẻo đường, mọi thành phố tôi từng đến, từng ghé chân qua đều nghe những tiếng rao vừa gần vừa xa như thế rất nhiều.

Tôi biết, có những tiếng rao quen thuộc mà tôi nhớ từ đó đã vượt đại dương nghìn trùng chỉ để chững lại trong vài khoảnh khắc một nơi không bao giờ có những tiếng rao, không bao giờ nhìn thấy bóng dáng của người đàn ông vai áo bạc sờn, khuôn mặt người đàn bà nấp níu trong chiếc nón lá đã nhuốm những vệt màu sáng tối của mảnh đất nắng và mưa hai mùa.

Đêm nơi này, ở thành phố xa xa này khá yên tĩnh.

Sự tĩnh lặng của những bức tường giáp vào nhau. Sự tĩnh lặng của hơi thở chìm sâu đến lạ. Tuy nhiên, đó chỉ là sự tĩnh lặng nội tại trong tôi, tự tôi mường tượng cảm nhận lấy. Bên ngoài bức tường, bên ngoài bầu trời vẫn còn những âm thanh khác. Không phải tiếng rao ở phố thành, phố thị mà tôi đã đến, đã đi qua. Có khi, nếu rời xa nơi này, tôi sẽ không nhớ tiếng rao nào nữa, mà tôi phải nhớ những đoàn tàu lăn bánh đều đặn ngay ga tàu Britomart ở thành phố Auckland (New Zealand). Hoặc cũng có thể, tôi chỉ nhớ tiếng sóng biển vỗ ì oạp dưới chân cầu cảng Auckland Harbour. Hay đơn giản, tôi sẽ nhớ tiếng bầy chim ríu rít mỗi sáng bình minh khi ánh sáng đầu tiên lấp lánh phía bên khung cửa sổ gần nhất để biết rằng, mỗi ngày mới lên là một niềm hứng khởi chào đón lấy sự sống tuyệt vời.

Âm thanh tôi nhớ, buồn hay vui? Man mác sầu muộn hay cuộc mưu sinh nổi trôi trong thân phận – một kiếp con người?

Âm thanh tôi nhớ, hẳn phải là những thứ tôi vẫn còn may mắn được đón nhận mỗi ngày nắng lên, mỗi đêm tắt ánh sáng mặt trời, dù có khi chúng chỉ đơn giản là một tiếng lá rơi xuống thềm đá lạnh. Mùa thu.

TRẦN BĂNG KHUÊ

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Chắp cánh ước mơ

“Chắp cánh ước mơ” là câu chuyện đầy cảm hứng về hành trình vượt lên …