Thúc Tề – “nợ văn” & hành trình dấn thân

Nợ văn (NXB Lao Động tái bản, Hà Nội, 2012)

Ông viết báo với ngòi bút sắc sảo, viết văn với sự tài hoa uyên bác, và sống phóng khoáng phong trần với tính cách nghệ sĩ. Thuở ấy, nhiều nhà văn, nhà báo có tuổi, có tên từ trước cũng phải kiêng nể, đến nỗi đặt vần vè: Hà Nội có chú Ta Lê/Sài Gòn có cậu Thúc Tề điểm văn. (Ta Lê/Lê Ta là nhà thơ Thế Lữ).

Thân phận nhà văn, nhà báo xưa qua “Nợ văn”

“Nợ văn” là một trong hai tác phẩm văn xuôi ít ỏi của Thúc Tề/Lãng Tử còn lưu lại với hậu thế. “Nợ văn” được viết trong những năm từ 1934 -1940, lúc Thúc Tề bỏ học cùng bạn bè từ Huế vào Sài Gòn dấn thân làm báo. Bối cảnh những năm tháng đó, thực dân Pháp áp đặt một chế độ áp bức nặng nề, các tầng lớp Nhân dân sống tột cùng nghèo khổ, và nhà văn nhà báo thời đó cũng như thế, làm không đủ nuôi thân. Thuở ấy, Lãng Tử làm báo, ngoài đưa tin tức, ông còn viết nhiều chuyên mục bình luận, với giọng điệu hài hước sâu cay. “Nợ văn” nằm trong chuỗi những tác phẩm về những thân phận dưới đáy như thế.

Nhưng “Nợ văn” nói cụ thể hơn về cuộc sống cùng cực của các nhà văn, nhà báo thời đó.

Thúc Tề kể những câu chuyện mà tác giả gọi là thiên điều tra để chứng minh cái sự “bạc” của nghề văn. Ta gặp ở “Đôi giày lủng” nhà báo T. già trước tuổi vì quá lao lực với nghề, không nhà ở và chưa hề sắm nổi một cái gối bông. Một phen báo đóng cửa là một phen chàng bị đời đưa chân đá ra ngoài đại lộ. Ta gặp ở “Con voi già” một H M., người khai sinh ra tờ T.: “Những ai đọc Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn mà chẳng biết đến danh hiệu ông. Nói rằng khét tiếng một độ rất lâu trong báo giới xứ này thì cái danh dự ấy chỉ là riêng ông có”. Ấy vậy mà lúc sa cơ ông lại bị nghề và đời quên bỏ…

“Nợ văn” miêu tả những cảnh đời như thế bằng một giọng văn lúc trực diện, lúc sâu cay, và không có câu chuyện nào dài. Trực diện đến mức vào ngay câu chuyện là một tiếng kêu thảm: “Có ai ngờ rằng con người tài hoa ấy bây giờ phải nằm chèo queo trong một tiệm hút ở Sài Gòn, chịu đầu hàng số phận một cách ngoan ngoãn và thảm thương như thế?” (Mơ chiến sĩ). Văn chương của Thúc Tề có những lúc hài hước đau khổ khi kể về hình hài những nhà văn, nhà báo sống cảnh thiếu thốn: “Người thanh niên dài như một ngày không cơm”; “Đó là một bộ xương, cao khấp khểnh và hễ đi thì thất thiểu như chim tha mồi”… “Nợ văn” có những lúc thật sâu cay, chua chát: “Bọn này phần nhiều hoặc là con cháu chủ, hoặc là những kẻ rỗng học thức, nhưng chúng có xu. Chúng không hiểu thế nào là lòng tự ái của một nhà văn, một nhà báo. Thành ra có lúc làm cho chúng tôi đau xót mà họ không biết. Ví dụ sẵn tiền đầy trong két mà có bận chúng muốn chơi ngặt bảo không. Ông Tú Xương lắm khi trào nước mắt vì van nợ, thì chúng tôi cũng đã phải khóc thầm vì van bọn giữ “két” trong nhà báo” (Nhà báo ăn bông).

Thúc Tề chỉ ra những nguyên nhân đẩy các nhà văn, nhà báo thời đó đến những cảnh tình thống khổ đó, chính là do bản chất tham lam, sống chỉ biết có tiền của những kẻ bóc lột. Và Thúc Tề kêu gọi: “Chúng ta cần phải có một tinh thần mạnh mẽ riêng của làng phóng sự. Chúng ta sở dĩ bị coi thường vì chúng ta không biết liên hiệp chặt chẽ, chớ trong làng báo, phần tử nào cần yếu cho bằng phóng viên” (Bên lề cuộc đời).

Văn như thế, đầy cảm khái và thừa căm giận đối với bất công xã hội, nên sau đó nhà văn, nhà báo Thúc Tề tham gia cách mạng là điều dễ hiểu.

Hành trình dấn thân

Sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông tích cực tham gia Hội Văn hóa cứu quốc. Kháng chiến bùng nổ, Thúc Tề cùng với Hải Triều, Hà Thế Hạnh tham gia Sở Tuyên truyền Trung bộ và đầu năm 1946, ông còn được phân công cùng với ông Hoàng Thượng Khanh thành lập Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Thừa Thiên.

Một số thư tịch ghi nhận: Khoảng năm 1938 – 1939, Lãng Tử làm chủ bút tờ Đông Dương, tuần báo ấn hành ở Sài Gòn. Năm 1940, bán nguyệt san Mai ra đời, chủ nhiệm là Hoàng Minh Tuynh, chủ bút là Lãng Tử (bán nguyệt san Mai khác với báo Mai tồn tại trước đó (1935 – 1939) do Đào Trinh Nhất “cầm trịch” và Lãng Tử từng cộng tác). Bán nguyệt san Mai chỉ xuất hiện thời gian ngắn rồi đình bản, Lãng Tử lang thang về Cái Bè thuộc Mỹ Tho. Từ sông nước miền Tây, Lãng Tử gửi bài lên Sài Gòn đăng báo, trong đó có các tờ Người Mới và Trong Khuê Phòng.

Đầu năm 1941, Thúc Tề quay về Huế, tiếp tục sáng tác thơ văn và viết báo. Tháng 8 năm ấy, phóng sự “Nợ văn” của ông được NXB Tân Việt in thành sách. Tại Huế, năm 1944, dưới chân núi Ngự có cái quán mang tên Hương Bình. Ấy là nơi Thuần Hoa trú ngụ và bí mật hoạt động trong phong trào Việt Minh. Thuần Hoa chính là em gái của Nguyễn Thúc Nhuận. Đây là những dòng mà Thuần Hoa ghi chép tại Hà Nội vào tháng 7/2000 về anh trai Thúc Tề/Lãng Tử: “Cách mạng tháng 8/1945 thành công, anh tham gia Hội Văn hóa cứu quốc và Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Thừa Thiên. Tháng 6/1946, hai anh em gặp nhau ở quán Hương Bình, tạm biệt để tôi ra Hà Nội. Cũng không ngờ đó là lần gặp cuối cùng!”.

Sự nghiệp cách mạng trong bước khởi đầu tràn đầy nhiệt huyết thì tháng 12/1946, Thúc Tề bị quân Pháp bắt cóc, giết chết và vứt xác ở ga Truồi, huyện Phú Lộc khi ông chỉ mới tròn 30 tuổi và chưa lập gia đình. Trong khi đó, người thân và đồng đội vẫn tin rằng ông chỉ bị mất tích. Gần 50 năm sau, qua tài liệu “Những chặng đường lịch sử của Công an Thừa Thiên – Huế (1945 – 1954)” được công bố vào năm 1990 có đoạn xác nhận: Nguyễn Thúc Nhuận tức nhà thơ Thúc Tề cũng là nhà báo Lãng Tử trên đường đi công tác đã bị giặc Pháp bắt, thủ tiêu, và vứt xác gần ga Truồi thuộc huyện Phú Lộc vào tháng 12/1946.

Cách đây 10 năm, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật tỉnh, Hội Nhà báo tỉnh, Trung tâm Trải nghiệm Huế Xưa và nay đã tổ chức đêm thơ Thúc Tề, nhân dịp tái bản cuốn “Nợ văn”…

Bài: HỒ ĐĂNG THANH NGỌC – Ảnh: TL

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …