Thỏa sức sáng tạo với needle felting

Len chọc là bộ môn đòi hỏi sự kiên nhẫn và sáng tạo

Kiên nhẫn

Sau hơn 2 tiếng đồng hồ tỉ mỉ dùng kim chọc, Trần Huyền Trang mới tạo hình xong một chú cún bằng len đáng yêu. Chia sẻ với chúng tôi về thú chơi mới này, bạn trẻ sinh năm 2000 cho biết: “Với em, needle felting vừa là bộ môn giải trí, vừa là bộ môn sáng tạo và xả stress hấp dẫn”.

Du nhập vào Việt Nam với cái tên gần gũi là len chọc, ngay từ tên gọi, những gì cần thiết nhất để thỏa sức sáng tạo cùng với bộ môn này đã có đủ. Đó là những cuộn len đầy màu sắc và kim chọc.

Xuất phát điểm từ châu Âu, needle felting còn được biết đến dưới cái tên nghệ thuật điêu khắc bằng len. Huyền Trang cho biết: “Khi tạo hình các sản phẩm bằng len chọc, những dụng cụ cần có bao gồm các cuộn len sợi và kim gai. Nguyên lý để tạo nên những hình thù từ len chọc đó là dùng kim chọc nhiều lần, làm sao cho những chiếc gai từ kim đan, dệt từng sợi len lại với nhau theo một cách đặc biệt, từ đó tạo nên hình khối, đường nét tùy sức sáng tạo của người làm”.

Kiên nhẫn, đó là câu cửa miệng của bất kỳ ai khi tiếp xúc với needle felting. Vì ngoài kỹ thuật chọc len, tạo hình cho đến thêm chi tiết phụ, mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ càng và kỳ công.

Tạo hình đáng yêu từ len chọc

Linh Hương, cô gái 9X đam mê bộ môn len chọc đã hơn một năm nay, chia sẻ: “Ngay từ đầu, mình chỉ tập các hình căn bản như hình tròn, hình vuông, hình ngôi sao. Sau khi đã nắm vững kỹ thuật chọc len, mình thử thách bản thân với những hình thù khó hơn và kết nối các chi tiết để tạo nên sản phẩm hoàn thiện”.

Tùy kích thước và độ phức tạp, trung bình Hương mất từ 3 – 5 tiếng đồng hồ tỉ mỉ để hoàn thiện mỗi sản phẩm tạo hình từ len chọc. Trong quá trình tạo hình, ngoài căn chỉnh các chi tiết, cô gái đam mê len chọc còn phải phối màu, chỉnh sửa các góc để làm sao cho ra đời sản phẩm len chọc thủ công vừa đáng yêu, vừa có hồn.

Sáng tạo

Chỉ cần đôi bàn tay thật khéo léo và bộ dụng cụ, người đam mê len chọc có thể tạo ra bất cứ hình thù nào mà mình mong muốn. Với Huyền Trang, những sản phẩm len chọc đáng yêu, ngộ nghĩnh là niềm vui và cũng là đồ trang trí mang dấu ấn cá nhân. Chỉ cần chưa đến 100 nghìn đồng mua len, Huyền Trang đã có thể tạo ra những chú gà, tuần lộc, thỏ, chó, mèo vô cùng xinh xắn.

Len chọc tả thực sinh động, độc đáo

Khác với Huyền Trang, đích đến của Linh Hương là mở tiệm len chọc online để lan tỏa đam mê cũng như tạo thu nhập từ bộ môn sáng tạo này. Dành phần lớn thời gian rảnh trong ngày để tìm tòi, học hỏi thêm kỹ thuật tạo hình từ các trang mạng xã hội, cộng đồng yêu thích len chọc trên toàn thế giới, Linh Hương đang hướng đến len chọc tả thật, đỉnh cao tạo hình của bộ môn này.

Cùng chung các công đoạn như len chọc thông thường, song len chọc tả thật lại mang đến cảm giác chân thực, lột tả chi tiết tạo hình mà người thực hiện muốn truyền tải. Linh Hương cho biết: “Xu hướng len chọc tả thực hiện nay thường tập trung vào thú cưng như chó, mèo. Trong khi len chọc thông thường nhấn mạnh vào những nét đáng yêu thì len chọc tả thực lại giữ trọn vẹn nhất từng chi tiết như sợi lông, màu lông và sắc thái của hình mẫu”.

“Không phải ai cũng có thể tạo nên những sản phẩm này. Cần tay nghề và tính thẩm mỹ cao, ngoài ra, thời gian để hoàn thiện len chọc tả thực cũng lâu hơn rất nhiều so với sản phẩm thông thường. Bởi thế, giá thành của sản phẩm len chọc tả thực có thể lên đến tiền triệu”, cô gái 9X nói thêm.

Cầm trên tay những chiếc móc khóa len chọc nhỏ xinh, Huyền Trang “khoe” với chúng tôi tất cả đều do bản thân tự chọc. “Không chỉ là vật trang trí, mình còn học được rất nhiều điều khi theo đuổi niềm đam mê này. Đó là sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và niềm vui khi nhìn ngắm thành quả mỗi khi hoàn thành”, Trang nói. Với Linh Hương, khi chặng đường mà cô gái đam mê len chọc phải đi còn rất dài thì không chỉ đơn thuần là sở thích, những sản phẩm len chọc còn trở thành dấu ấn riêng, thể hiện cá tính, tay nghề và óc sáng tạo của cô gái trẻ.

Bài: TUỆ LÂM – Ảnh: NVCC

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Mới nghĩ thôi đã thấy xa lạ…

Hội lớp 12Đ Quốc Học Huế, NK 1982-1985 đã tổ chức lần đầu sau 25 …