Thiền & đất Huế

Chỉ hơn 1 tuần lễ nữa, ở Huế diễn ra Tuần lễ Thơ Thiền Việt Nam. Sự kiện được tổ chức bởi Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, TP. Huế – Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Nhóm Nghiên cứu Văn hóa Tâm Việt. Chương trình dự kiến diễn ra với nhiều hoạt động phong phú: Triển lãm sách và thư pháp, tọa đàm, diễn xướng thơ thiền và cả chương trình biểu diễn các bài hát thiền, diễn tấu nhạc thiền.

Thiền tức “thiền na” được Hán văn phiên âm từ chữ “Dhyana” của ngôn ngữ “Sanserit”, hay chữ “Jhana” của ngôn ngữ “Pali” (Ấn Độ) chỉ một pháp môn tu tập của phái “Du già” (Yoga) Ấn Độ cổ. Để tập trung tư tưởng, các đạo sĩ thường ngồi nghiêm trang, ngay ngắn dưới gốc cây. Trong cuộc sống hiện tại, thiền được sử dụng để thư giãn và giảm căng thẳng; được xem là một loại thuốc bổ tâm và thể. Đơn giản (mà không dễ), trong khi thiền, ta tập trung sự chú ý và loại bỏ luồng những suy nghĩ lộn xộn có thể khiến tâm trí bạn bị dồn nén và gây nên căng thẳng. Trong khi đó, thơ thiền là thơ của các nhà sư hoặc người hiểu Phật giáo dùng hình ảnh ngôn ngữ nhà Phật làm thành thơ để nêu một triết lý, bài học, cảm xúc, tâm trạng Thiền.

Tôi không dám lạm bàn về thiền và hơn thế về thơ thiền. Nó cao siêu và vượt qua những hiểu biết của tôi. Điều tôi cảm nhận và muốn chia sẻ là cảm hứng chọn Huế để tổ chức Tuần lễ Thơ Thiền Việt Nam. Nhớ có một bài báo viết về Huế gần đây đã giật tít đầy hứng khởi “Đến Huế là về với đất Phật”. Huế được xem là vùng đất thiêng. Không chỉ nổi tiếng với những thành quách và lăng tẩm, mà Huế còn sở hữu hệ thống chùa chiền dày đặc với khoảng hơn 300 ngôi chùa lớn nhỏ. Hệ thống chùa chiền xứ Huế là những công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm nét văn hóa Á Đông và là một địa chỉ lịch sử, văn hóa tâm linh đặc sắc.

Gần đây, nhiều người đến Thiền viện Trúc Lâm – Bạch Mã để tham quan, vãn cảnh và còn để tham gia những khóa tu thiền, thường diễn ra trong khoảng 3 tháng. Lịch trình sinh hoạt một ngày trong khóa tu thường bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc lúc 22 giờ. Trong khoảng thời gian đó, người tham gia dành nhiều thời gian để ngồi thiền, tham gia lao động tại thiền viện, học Phật lý và tụng kinh. Tôi được biết, tại Huế, không chỉ Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, nhiều ngôi chùa, như Huyền Không, Tuệ Tĩnh đường Liên Hoa… đều có tiếp nhận học sinh, sinh viên đến tập thiền, học đạo dịp hè. Các khóa tu ngắn ngày giúp giới trẻ cân bằng cuộc sống, hướng các em đến điều thiện, tránh xa những cám dỗ, tệ nạn xã hội.

“Thiền trên sông Hương” cũng đã được tổ chức. Nhớ tại buổi quảng bá Festival Huế 2014, với tư cách nhà tài trợ Bạc, đồng thời là đơn vị duy nhất khai thác điểm “du lịch thiền” độc đáo này, ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Giám đốc Công ty Vietravel lúc đó bảo rằng, du lịch tâm linh ở Huế là sản phẩm du lịch có nhu cầu cao, nhưng vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Chính vì thế, trong khuôn khổ Festival, đưa vào khai thác sản phẩm hoàn toàn mới “du lịch thiền” tại Thiền viện Trúc Lâm kỳ vọng sẽ không chỉ đa dạng thêm lựa chọn cho du khách, mà sẽ góp phần khai thác và phát triển du lịch tâm linh Huế.

Sông Hương cũng sẽ là điểm nhấn trong khuôn khổ sự kiện Tuần lễ Thơ Thiền Việt Nam tại Huế sắp tới đây với Đêm Thơ và Ca Huế. Vậy là, không của riêng Huế, nhưng thiền đã là phần máu thịt và là nét văn hóa đặc sắc của Cố đô. Huế có “thơ thiền” và là “đất thiền”, rồi Hương giang là “sông thiền” để có thêm sự phát triển của “du lịch thiền”.

Đan Duy

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

BẢO TỒN NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ – TINH HÓA VĂN HÓA VIỆT NAM

Nhã nhạc cung đình Huế là một di sản văn hóa độc đáo của Việt …