Theo mạ đi bán “mì xưa”

Ngôi chợ cách không xa nhà chúng tôi ở, chỉ cần đi bộ đôi phút là sẽ tới nơi. Chợ làng nho nhỏ được xếp đặt trên nền nhà họp đội của ngày xưa. Mọi thứ giản đơn và gần gũi. Chỉ cần trải ngọn lá chuối lên mặt nền, đặt vài món đồ thì đã có một gian hàng. Người đi qua hỏi mua, người bán mời chào thế là buổi chợ bắt đầu.

Khi mùi tết vẫn nồng thơm trong ngôi nhà của mình, mạ ra nơi góc vườn nhìn đám rau dưa. Người dân quê tôi thích bán một thứ gì đó từ vườn nhà vào những ngày đầu năm để lấy hên, lấy sự vui vẻ, lấy sự hanh thông. Tục gọi là bán “mì xưa”. Buổi chợ đầu năm với tất cả nhẹ nhàng như một cuộc dạo chơi. Nhà có chi bán đó.

Vườn mạ nhỏ nhưng thứ gì ra thứ đó. Sát bụi tre bên hè nhà, mạ trồng mấy củ riềng. Mùa xuân, riềng ra hoa trắng, mạ để cây này nghỉ ngơi. Nơi mép đất hồ cá, mạ trồng sả. Nhờ nước dưới hồ, loại cây chịu hạn này cứ thế lớn lên mà không cần chăm sóc gì nhiều. Dưới tán cây khế là nơi dành cho nghệ. Nghệ ưa bóng râm, không như gừng cần nhiều ánh sáng. Mọi thứ trong khu vườn cứ nương tựa lẫn nhau, lớp lang và bài bản.

Với người nông dân, tết luôn bắt đầu từ đất đai, cây cối. Khi bão giông tạm ngưng, mùa gieo hạt bắt đầu. Mạ kể rằng, ngày xưa thường trông chờ cây cối quanh nhà để sắm tết, nên mùa gieo hạt cũng là mùa của hy vọng. Vạt ném, đám tần ô, ngò ta, cải xanh cứ thế lớn lên. Cây có tốt, trái có nhiều thì tết mới đủ đầy với bánh kẹo, áo mới. Và dù có thiếu thốn thế nào đi nữa thì phiên chợ đầu năm không khác đi ý nghĩa. Bao giờ lòng mạ cũng rộn ràng với những buổi chợ đầu tiên, thiêng liêng như một nghi thức đặc biệt.

Năm nay, trời lạnh và sương. Mạ cũng đã bước đến con số bảy mươi tư tuổi, vậy mà vẫn bền bỉ cho buổi sớm mùa xuân. Tôi xách đám rau dưa theo mạ ra chợ. Mạ trải chiếc lá chuối xuống nền đường, đặt lên đó những gì mà hôm qua thu hoạch. Năm nay nhà có đậu cô-ve, mấy quả vả, bó rau cần, rau thơm và đôi ký dưa chuột. Một gian hàng xanh tươi cho năm mới.

Chợ còn sớm nên người mua không nhiều, đó cũng là thời điểm dành cho những câu chuyện mà người bán ngồi kể cùng nhau. Năm nay trời nhiều sương, đậu cô-ve nhà nào cũng tốt nên giá không được cao. Ngày hôm qua rau cần đắt đỏ lắm, có người tìm hoài cả chợ mà không có. Rồi hỏi mấy ngày tết có vui không, con cháu sum họp đông không. Chợ làng thì toàn người quen cả. Câu chuyện cứ qua về cho đến khi không còn món hàng nào trên nền lá chuối. Buổi đi chợ đầu năm chỉ cần như thế, không tính lời lãi, ít nhiều, miễn sao vui vẻ thuận hòa là được. Không ai nói với ai, nhưng cả người bán và người mua đều cùng hiểu những điều chung đó. Như mấy cân đậu cô-ve, người trả hai mươi mạ cũng ừ, mà mười lăm ngàn một kg cũng chịu.

Khi chuyện bán đã xong, mạ đến những quầy hàng của người trong làng. Tôi tò mò không biết để làm gì, vì hầu như nhà còn tất cả những thứ cần đến. Mạ mua chỗ này bó chè xanh, chỗ kia củ cà rốt, củ cải, củ hành… cứ như thể chào nhau bằng những món hàng. Một nét trao đổi hàng hóa của xa xưa thoáng hiện. Tôi thấy mạ vui vì rau cần được giá, dưa leo sạch lành được ưa chuộng và con người vẫn dễ chịu cùng nhau. Tan buổi chợ và lòng đầy hân hoan.

Theo mạ đi bán “mì xưa” vẫn đầy trong tôi với niềm háo hức. Ở đó, tôi tìm ra câu chuyện của chính mình giữa những sẻ chia và hy vọng. Buổi chợ “mì xưa” đó sẽ được kể tiếp bằng những gì ngọt ngào nhất của con người, đất trời trong những ngày tháng mới.

Yên Thường

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Những gia đình “thắp lửa trái tim

Gia đình Huỳnh Thị Ngọc Trang và Trần Thị Nghĩa – Trần Thị Hiếu ở …