“Theo dấu chân Người”

Các văn nghệ sĩ đã thâm nhập thực tế một số di tích lịch sử liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: Ngôi nhà 112 (số mới 158) Mai Thúc Loan (nơi ở của gia đình Người trong thời gian từ 1895 – 1901); ngôi nhà ông Nguyễn Sĩ Độ ở Dương Nỗ – xã Phú Dương, TP. Huế (nơi cụ Nguyễn Sinh Sắc và hai con Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung cư ngụ 1898 – 1900); tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Tại các địa điểm trên, các văn nghệ sĩ được nghe giới thiệu về các di tích, những năm tháng tuổi thơ, những hoạt động cách mạng của Người. Đoàn văn nghệ sĩ tham quan Đền thờ Bác Hồ và Nhà trưng bày, lưu niệm tại huyện A Lưới, gặp các Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân: Hồ Vai, Kan Lịch, Kăn Đơm, Hồ A Nun, được nghe các anh hùng tâm sự, kể chuyện được gặp Bác Hồ kính yêu trong những năm tháng chống Mỹ, cứu nước…

Với 79 tác phẩm được sáng tác, các bài viết, bài thơ, vở kịch, bài hát, bức tranh, bức ảnh thể hiện tình cảm, lòng thành kính biết ơn vô hạn với Bác Hồ kính yêu. Nhiều tác phẩm đã phản ánh chân thực, sinh động tình cảm sâu nặng của Người đối với quê hương Thừa Thiên Huế và Nhân dân Thừa Thiên Huế đối với Bác Hồ, như: “A Lưới, nơi con đường huyền thoại đi qua” (Hồ Đăng Thanh Ngọc); “Vầng mặt trời sáng tỏ giữa đại ngàn” (Lê Vũ Trường Giang); “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Huế” (Trần Văn Dũng). Nhiều bài thơ, ý thơ thể hiện tình cảm thiết tha, xúc động khi nhớ lại những năm tháng của Người và gia đình sinh sống ở Huế.

Viết về nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Kan Lịch – người vinh dự được gặp Bác Hồ bảy lần, nhà thơ Lê Viết Xuân có những dòng thơ thật truyền cảm: “Hạnh phúc bất ngờ, khi Bác nắm tay/Âu yếm hỏi thăm chuyện nhà, chuyện bản/Thưa Bác, bà con một lòng theo Đảng/Dẫu đói cơm, nhạt muối vẫn vượt qua” (Chuyện người con gái).

Nhà thơ Hồ Đăng Thanh Ngọc cảm xúc khi viết về tuổi thơ của cậu học trò Nguyễn Sinh Cung: “Nơi ấy, cậu đã từng chạy chơi ngắm sen hồ Tịnh/Những đóa sen thơm dịu ngọt, lặng thầm/Bài học đầu đời về hương thanh khiết/Sẽ kết tinh thành nhân cách lớn mai sau…” (Ngôi nhà tranh ở gần cửa Đông Ba).

Nhiều ca khúc dạt dào tình cảm, thiết tha, sâu lắng của Nhạc sĩ Việt Đức (tác phẩm Dấu chân tuổi thơ, Bông Huệ trắng); Nhạc sĩ Văn Đình (Bác về thăm quê); Nhạc sĩ Văn Đen (Hồ Chí Minh tên Người sống mãi)… thể hiện lòng thành kính biết ơn vô hạn về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một số tác phẩm mỹ thuật, các họa sĩ đã thể hiện sáng tạo để lại ấn tượng cho người xem: “Cây chì đỏ” (Nguyễn Thị Hải Hòa); “Chủ tịch Hồ Chí Minh – Những dấu ấn” (Võ Quang Phát); “A Lưới luôn trong trái tim Người” (Lê Đăng Thông). Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Đính và Nguyễn Phúc Xuân Lê có nhiều bức ảnh chân thực, sống động…

Trại sáng tác văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021 để lại dấu ấn tốt đẹp, thể hiện qua chất lượng nội dung và hình thức của tác phẩm, góp phần lan tỏa trong đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều tác phẩm hay hơn, có chiều sâu hơn về Bác Hồ kính yêu; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng đạo đức, nhân cách, tâm hồn và tình cảm con người Việt Nam, con người Thừa Thiên Huế.

Bài, ảnh: LINH THIỆN

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thu về trên kinh thành Huế

Có ai từng cảm nhận cái se lạnh đầu thu trên những con phố cổ …