Thêm nguồn lực hỗ trợ khắc phục thiên tai

Tỉnh sẽ phân bổ thêm nguồn lực tiếp tục làm kè Phú Thuận nối dài

Thiệt hại 1.439 tỷ đồng

Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong các năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, diễn biến bất thường của thời tiết nên trên địa bàn tỉnh liên tục chịu ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh tăng cường đã gây ra mưa lớn, ảnh hưởng việc điều tiết lũ của các hồ thủy điện, thủy lợi. Bên cạnh đó, yếu tố địa hình của các dòng sông ở tỉnh ngắn và dốc, lượng phù sa, bùn cát trong dòng sông bị mất cân bằng.

Tổng thiệt hại về hạ tầng giao thông, thủy lợi, nông nghiệp và cơ sở vật chất của người dân theo thống kê của năm 2022 trên địa bàn tỉnh lên đến gần 1.500 tỷ đồng. Trong đó, các địa phương đề nghị hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022 là 157,3 tỷ đồng; bao gồm: nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp (hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản bị thiệt hại) là 46 tỷ đồng; nhu cầu kinh phí khắc phục các công trình bị hư hỏng, xuống cấp do mưa lũ năm 2022 gây ra là 111,3 tỷ đồng.

Bổ sung hơn 170 tỷ đồng

Việc HĐND tỉnh vừa thông qua Nghị quyết về phương án phân bổ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai cho các sở, ban, ngành và địa phương với tổng số tiền hơn 170 tỷ đồng trong những tháng đầu năm 2023 là một tín hiệu vui, giúp các địa phương có thêm nguồn lực khắc phục hậu quả thiên tai.

Trên cơ sở nhu cầu kinh phí và căn cứ nguồn kinh phí ngân sách Trung ương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai năm 2022 hơn 170,4 tỷ đồng, UBND tỉnh thống nhất phương án phân bổ: Bố trí 120 tỷ đồng cho các dự án khắc phục hậu quả thiên tai từ nguồn khắc phục hậu quả thiên tai Trung ương bổ sung. Bố trí 50,4 tỷ đồng, bao gồm nguồn khắc phục hậu quả thiên tai Trung ương bổ sung để bổ sung có mục tiêu cho ngân sách các huyện, thị xã và TP. Huế thực hiện khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2022.

Theo đó, ngoài kinh phí hỗ trợ mỗi huyện từ 4-9 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai, một số công trình, dự án được ưu tiên đợt này bao gồm: bố trí 20 tỷ đồng thực hiện Dự án kè chống sạt lở khẩn cấp đoạn Thuận An – Tư Hiền; bố trí 10 tỷ đồng hỗ trợ TX. Hương Thủy thực hiện công trình cầu Khe Rệ (xã Dương Hòa); phân bổ vốn để thực hiện dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, đoạn còn lại tiếp giáp với đoạn kè đã đầu tư) số tiền 80 tỷ đồng và dự án khắc phục hư hỏng các tuyến Tỉnh lộ 4, Tỉnh lộ 16 và Tỉnh lộ 28 số tiền 10 tỷ đồng.

Theo Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Chí Tài, qua thẩm tra cho thấy, danh mục các công trình, dự án được đề nghị bố trí vốn là các công trình kè biển bị hư hỏng nặng, hệ thống giao thông, hạ tầng sản xuất xuống cấp nghiêm trọng do tác động bởi thiên tai gây ra. UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với các địa phương liên quan kịp thời rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình bị thiệt hại, đề xuất danh mục các công trình, dự án cần được bố trí vốn để xử lý khẩn cấp.

Do vậy, Ban Kinh tế – Ngân sách thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh, đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ và thực hiện dự án, đảm bảo hoàn thành thi công trước mùa mưa bão và giải ngân trong năm 2023. Ban Kinh tế – Ngân sách đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đảm bảo điều kiện bố trí vốn thực hiện theo quy định.

Bài, ảnh: THÁI BÌNH

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng khi người dân tái định cư Hương Sơ ổn định cuộc sống

Ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế …