Đại diện lãnh đạo tỉnh khen thưởng cho 24 y, bác sĩ, nhân viên y tế được tuyên dương tại Liên hoan “Thầy thuốc trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế làm theo lời Bác”
Hăng hái trên tuyến đầu
Thời điểm tỉnh Đồng Nai bùng phát dịch COVID-19 vào tháng 8/2021, bác sĩ Nguyễn Thị Nguyệt Minh (sinh năm 1989), Phó Bí thư Đoàn Trường đại học Y – Dược, Đại học Huế đảm nhận nhiệm vụ trưởng đoàn tình nguyện số 3 với quân số 105 người đến chi viện. Trong khoảng 55 ngày chiến đấu, tất cả thành viên trong đoàn đều đảm bảo an toàn, không ai nhiễm bệnh và được đồng nghiệp địa phương đánh giá cao về tác phong lẫn chuyên môn.
Chia sẻ về kinh nghiệm quản lý tốt đội hình tình nguyện, bác sĩ Nguyệt Minh nhớ lại, thời điểm đó khá căng thẳng và áp lực khi phải chịu trách nhiệm dẫn dắt 105 thành viên hầu hết là sinh viên, còn non nớt kinh nghiệm. Trước tình hình đó, đoàn tình nguyện đã đặt ra một bộ quy tắc ứng xử, tác phong làm việc và các biện pháp phòng, chống dịch để giữ an toàn cho mọi người.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nguyệt Minh luôn là nhân tố tích cực tham gia tuyến đầu chống dịch trong hai năm qua
“Khi nhập cuộc, các bạn sinh viên nhanh chóng bắt nhịp công việc và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, từ đó san sẻ được áp lực cho các đồng nghiệp ở tuyến đầu và hỗ trợ người dân hết mình. Thật vui mừng khi tất cả thành viên trong đoàn đều trở về an toàn”, bác sĩ Nguyệt Minh cho biết.
Không riêng đợt ra quân chi viện ở Đồng Nai, bác sĩ Nguyệt Minh luôn là nhân tố tích cực tham gia tuyến đầu chống dịch trong hai năm qua. Bản thân chị còn là Phó Chỉ huy trưởng các nhóm sinh viên tình nguyện hỗ trợ chốt trạm kiểm soát y tế năm 2020 – 2021; đồng thời, tổ chức các chương trình tuyên truyền phòng dịch online, như: “Dũng sĩ chống COVID-19”, “Stay healthy challenge”, “Chiến binh chống COVID-19”…
Với bác sĩ Nguyễn Viết Quang Hiển (sinh năm 1987), Phó Bí thư Đoàn, Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức A – Bệnh viện Trung ương Huế, tham gia ở tuyến đầu chống dịch là sứ mệnh, trách nhiệm của mỗi cán bộ ngành y.
Bản thân anh đã viết đơn tình nguyện tham gia đoàn thầy thuốc lên đường đến “điểm nóng” Bắc Giang hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tại đây, anh cùng đồng nghiệp đã chiến đấu để giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân diễn tiến nặng, bên bờ vực tử vong. Kết thúc “trận chiến” ở Bắc Giang, anh tiếp tục tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Dù ở bất cứ “mặt trận” nào, bác sĩ Nguyễn Viết Quang Hiển cũng cố gắng hết sức để bệnh nhân nhanh chóng khỏi bệnh. Anh luôn tâm niệm phải đặt mình vào hoàn cảnh người bệnh để có sự cảm thông, sẻ chia.
Bác sĩ Nguyễn Viết Quang Hiển luôn nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu và ứng dụng nhiều kỹ thuật mới trong công tác chuyên môn
Bác sĩ Nguyễn Viết Quang Hiển cũng là nhân tố trẻ tích cực đóng góp các ý kiến cải tiến, sáng tạo trong điều trị cũng như sử dụng vật tư thiết bị trong khoa và tham gia công tác nghiên cứu khoa học với nhiều bài báo khoa học đã đăng, báo cáo tại các hội nghị khu vực cũng như toàn quốc và có nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp tỉnh.
Cuối tháng 2 vừa qua, bác sĩ Nguyễn Thị Nguyệt Minh và bác sĩ Nguyễn Viết Quang Hiển cùng 22 y, bác sĩ, nhân viên y tế khác được Hội LHTN Việt Nam tỉnh tuyên dương tại liên hoan “Thầy thuốc trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế làm theo lời Bác”.
Đại diện Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh cho biết, những năm qua, Thừa Thiên Huế đã ghi nhận nhiều điển hình bác sĩ trẻ giỏi chuyên môn, tiên phong trong các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng với những việc làm ý nghĩa như: Bác sĩ Lê Thanh Hà (Trưởng khoa Ngoại, Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ huyện Phú Vang); bác sĩ Trần Đức Tuấn (Bí thư Chi đoàn Trung tâm Y tế thị xã Hương Thủy); bác sĩ Phạm Ngọc Mai (Bí thư Chi đoàn Trung tâm Y tế huyện Nam Đông)…
Cùng với hệ thống chính trị, hình ảnh những người chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch với tinh thần quyết tâm và trách nhiệm cao nhất đã ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người dân.
Đóng góp sức trẻ
Theo thông tin từ Tỉnh đoàn, được thành lập từ 4/2018, Mạng lưới thầy thuốc trẻ tỉnh đã phát triển rộng khắp từ Bệnh viện Trung ương Huế, Trường đại học Y – Dược đến các huyện, thị xã, thành phố, trong đó 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã có tổ chức Hội, CLB Thầy thuốc trẻ.
Thực hiện lời dạy của Bác, các cấp hội luôn “học tập, rèn luyện, nâng cao y đức”, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho đồng bào miền núi, gia đình chính sách, hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn; người già neo đơn, trẻ em mồ côi; thành lập phòng khám nhân đạo; cấp phát suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; tham gia hiến máu; tiêu biểu như chương trình “Tình nguyện mùa đông”; cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Tháng Thanh niên, Chiến dịch Thanh niên Tình nguyện hè…, cụ thể hóa 3 cuộc vận động “Thầy thuốc trẻ học tập, rèn luyện, nâng cao y đức”, “Thầy thuốc trẻ sáng tạo trong nghiên cứu khoa học” và “Thầy thuốc trẻ vì sức khỏe cộng đồng”.
Thông qua các phong trào tình nguyện là cơ hội để hội viên, thanh niên, sinh viên và đội ngũ thầy thuốc trẻ thể hiện vai trò xung kích của tuổi trẻ đối với cộng đồng; tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí và uy tín của tổ chức Hội LHTN, Hội Thầy thuốc trẻ đối với thanh niên và xã hội.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Thanh Hoài cho biết, thời gian tới, Ban Thư ký Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh mong muốn mỗi một cán bộ, hội viên, thanh niên, sinh viên, thầy thuốc trẻ tiếp tục chung sức, cùng hành động góp phần chăm sóc sức khỏe của Nhân dân, đặc biệt các bệnh nhân là người già, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… đó là trách nhiệm và tình cảm của thanh niên để chia sẻ những khó khăn, thể hiện tấm lòng nhân ái, tinh thần tình nguyện vì cộng đồng, góp phần đưa cuộc vận động “Thanh niên sống đẹp, sống có lý tưởng, sống có ích” đi vào cuộc sống.
Bài, ảnh: MINH NGUYÊN