Tháo gỡ khó khăn cho các dự án Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô

Bí Thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và đoàn công tác thị sát Nhà máy Thạch Anh Chân Mây

Còn nhiều vướng mắc

Trên địa bàn huyện Phú Lộc có nhiều DA trọng điểm, quan trọng đã và đang được triển khai. Đó là, DA Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế với tổng diện tích 164,9ha; Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây, diện tích 275,84ha; Nhà máy Thạch Anh Chân Mây, 2,42ha.

Ở Phú Lộc cũng có không ít DA đầu tư công, các DA ngoài ngân sách như: Đường phía Đông đầm Lập An; đường nối Khu phi thuế quan với Khu cảng Chân Mây; đường trục chính Khu đô thị Chân Mây; Khu du lịch nghỉ dưỡng phát triển thể chất kết hợp vui chơi, thể thao Lộc Bình; Khu du lịch nghỉ dưỡng, sân golf Lăng Cô…

Thời điểm hiện tại có không ít DA gặp phải những khó khăn trong quá trình thực hiện vì vướng vào việc thu hồi đất, di dời lăng, mộ, giải phóng mặt bằng (GPMB) bố trí tái định cư (TĐC) cho người dân bị ảnh hưởng.

Báo cáo về tiến độ thực hiện công tác GPMB các DA trọng điểm trên địa bàn của UBND huyện Phú Lộc cho thấy, DA Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế còn những vướng mắc về nguồn gốc sử dụng đất với 1,62ha/8 thửa của một vài hộ dân (giai đoạn 2) và 1,90ha/6 thửa (giai đoạn 3).

Huyện Phú Lộc đã và đang triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong việc đền bù, hỗ trợ đối với những hộ dân bị ảnh hưởng nhà ở trong công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án

Tại DA Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn – Chân Mây có 480 hộ dân bị ảnh hưởng do thu hồi đất; 1.216 lăng, mộ phải di dời. Còn 31 hộ vẫn chưa nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng để thực hiện DA… Lý do mà người dân đưa ra là, đơn giá bồi thường thấp hoặc đơn vị chức năng đang lập thủ tục tiến hành chi trả tiền bồi thường hỗ trợ; nhà đầu tư chưa chuyển kinh phí bồi thường để lập thủ tục chi trả…

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Phan Công Mẫn cho biết, quá trình thực hiện GPMB gặp vướng mắc. Cụ thể, một số trường hợp xây dựng nhà ở, công trình trên đất nông nghiệp, trên đất ở của cha mẹ cho đều sau thời điểm ban hành Quyết định số 1771/QĐ –TTg, ngày 5/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ và căn cứ vào các quy định của pháp luật liên quan. Do đó, đối với những trường hợp này không đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ về tài sản xây dựng.

UBND huyện Phú Lộc đang kiến nghị tỉnh cho chủ trương, lấy thời điểm thông báo chủ trương thu hồi đất hoặc thời điểm có quy hoạch vùng (phân khu chức năng) đã được cắm mốc ranh giới làm căn cứ cho việc xét điều kiện bồi thường về tài sản là nhà ở, công trình để thực hiện công tác bồi thường khi thực hiện các DA trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Hiện nay, đơn giá cây trồng làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã hết hiệu lực. Vì vậy, UBND tỉnh cần sớm ban hành quy định đơn giá cây trồng làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất năm 2023 trên địa bàn tỉnh để địa phương có cơ sở áp dụng thực hiện phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Huyện cũng đã đề nghị Sở Xây dựng rà soát, báo cáo UBND tỉnh bổ sung đơn giá vào Quyết định số 65/2020/QĐ – UBND ngày 21/12/2020 để địa phương thuận tiện trong lập phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC các DA. Đồng thời, ban hành hệ số điều chỉnh đơn giá nhà, công trình, vật kiến trúc và các loại mồ mả trên địa bàn tỉnh năm 2023, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho địa phương trong việc bồi thường, hỗ trợ cho người dân.

Trước những khó khăn, vướng mắc tại các DA trên địa bàn huyện Phú Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Công nghiệp tỉnh phối hợp với Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô nghiên cứu thật kỹ các phương án, đề ra các giải pháp để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp cũng như người dân bị ảnh hưởng. Mục tiêu cao nhất là, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân bị ảnh hưởng do việc thu hồi đất để thực hiện các DA.

Các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục để các DA tiếp tục được thi công, sớm đưa vào vận hành. Với những hộ dân có nguyện vọng xin được bố trí TĐC, cấp ủy, chính quyền địa phương làm việc với chủ các DA để bồi thường hợp tình, hợp lý cho người dân.“Tất cả đều phải tính toán, rà soát thật kỹ lưỡng từng trường hợp cụ thể”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định.

Riêng về những tồn tại, khó khăn hiện nay tại Cảng Chân Mây, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo UBND tỉnh tập trung lãnh, chỉ đạo các sở, ban, ngành đẩy nhanh các thủ tục để tháo gỡ khó khăn. Cần nghiên cứu riêng về quy hoạch cảng than, tránh ô nhiễm môi trường. Mục tiêu đặt ra là, vừa phục vụ sản xuất, nhưng cũng cần tính toán đến yếu tố môi trường.

Liên quan đến hoạt động hàng hóa qua cảng, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu đơn vị tiếp tục tăng cường đẩy mạnh công tác truyền thông; có cơ chế hỗ trợ các mặt hàng. “Những DA trọng điểm trên địa bàn huyện Phú Lộc có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình phát triển đi lên không chỉ của huyện mà cả tỉnh. Vì vậy, việc GPMB, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA là vấn đề đặt ra của không chỉ huyện Phú Lộc mà các sở, ban, ngành của tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu chỉ đạo.

Bài, ảnh: Anh Phong

About Huế

Bài viết được đăng từ nguồn: Báo Thừa Thiên Huế online

Check Also

Phá chuyên án mua bán trái phép chất ma túy

Công an làm việc với đối tượng Qua công tác nghiệp vụ, Đội Cảnh điều …