Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho học sinh THCS. Ảnh: Gia Huy
Chị Ngô Thị Diệu Ly (phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy) như ngồi trên đống lửa khi người thân 2 bên nội ngoại lần lượt đều test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, rồi đến lượt vợ chồng chị. Điều chị Ly lo nhất là cô con gái 9 tuổi thuộc diện “F0 bủa vây tứ bề” của chị có bệnh nền hen suyễn, thuộc diện nguy cơ cao các triệu chứng bệnh chuyển nặng nếu không may bé thành F0. Bé cũng là thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình chưa được tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Chính vì vậy, trong nỗi lo ngổn ngang chị Ly chỉ mong có thể giữ an toàn cho con đến ngày nhóm tuổi của bé được tiêm chủng. Chị tin, chỉ cần có vắc-xin, những nguy cơ tăng nặng các triệu chứng bệnh của bé sẽ được giảm bớt phần nào.
Theo thống kê của ngành y tế, Thừa Thiên Huế hiện có khoảng 140.000 trẻ trong độ tuổi từ 5-dưới 12. Để chuẩn bị việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo và các địa phương đã tích cực triển khai việc lấy ý kiến phụ huynh đồng thuận tiêm vắc-xin cho trẻ, vận động, tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc-xin, đảm bảo quyền được tiêm chủng của trẻ. Gần 90% số trẻ trong độ tuổi đã được phụ huynh đồng ý cho tham gia tiêm chủng. Đến thời điểm này, ngành y tế địa phương cũng sẵn sàng các nguồn lực để tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi ngay khi có kế hoạch triển khai của Bộ Y tế.
Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ dưới 18 tuổi
Với yêu cầu tuân thủ tuyệt đối các vấn đề an toàn trong tiêm chủng cho trẻ, trẻ đang học ở các trường tiểu học, trung học cơ sở sẽ được tiêm ngay tại trường học. Trẻ không đến trường sẽ tiêm tại các trạm y tế cấp xã. Riêng nhóm trẻ có bệnh lý mạn tính, bệnh nền sẽ được tiêm tại các trung tâm y tế và các bệnh viện đa khoa. Hiện, tất cả cán bộ y tế tham gia tiêm chủng đều đã được tập huấn về khám sàng lọc tiêm chủng cho trẻ, tập huấn sơ cấp cứu và xử lý trường hợp tai biến sau tiêm chủng, nếu có.
Tính từ ngày 28/4/2021 đến nay, Thừa Thiên Huế đã ghi nhận hơn 45.000 trưởng hợp trẻ dưới 18 tuổi nhiễm COVID-19. Trong đó, hơn 8.700 trường hợp trẻ dưới 5 tuổi; hơn 22.000 trường hợp trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và hơn 14.200 trường hợp trẻ từ 12 – dưới 18 tuổi. Theo một báo cáo của Bộ Y tế trong tháng 2/2022, số trẻ em dưới 18 tuổi mắc COVID-19 ở Việt Nam chiếm 19,2%, tỷ lệ trẻ tử vong là 0,42%. Nhiễm COVID-19 ở trẻ thường nhẹ và không có nhiều biểu hiện nghiêm trọng. Tuy nhiên, qua theo dõi, các bác sĩ nhận thấy đã có những trẻ có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, thậm chí có biến chứng rất nguy hiểm viêm đa cơ quan. Đặc biệt, với biến chủng Omicron có tốc độ siêu lây nhiễm, tỷ lệ mắc đối với đối tượng chưa được tiêm chủng càng cao.
Thảo luận về công tác điều trị COVID-19 ở trẻ, TS. BS. Nguyễn Hữu Châu Đức (Trung tâm Nhi, Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết: Khuyến cáo từ các nghiên cứu cho thấy, khó xác định được trẻ nào sẽ có triệu chứng chuyển nặng hơn và có thể tiến đến suy hô hấp tiến triển hay viêm đa cơ quan. Do đó, chúng ta phải tập trung vào việc bảo vệ trẻ nói chung và trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao nói riêng. Trong các biện pháp bảo vệ trẻ, hiệu quả của vắc-xin đã được ghi nhận rõ và trẻ cần được tiêm vắc-xin để giảm nguy cơ chuyển thành bệnh nặng nếu không may nhiễm SARS-CoV-2.
Với hiệu quả của vắc-xin phòng COVID-19, PGS.TS. Nguyễn Tiến Đạt (Bệnh viện Nhi Trung ương) cũng đã tư vấn rất rõ cho các bậc phụ huynh. Ông nhấn mạnh: Các bé dù đã mắc COVID-19 hay chưa mắc cũng nên tiêm vắc-xin phòng COVID-19. Phần lớn trẻ bị nhiễm bệnh chỉ gặp phải các triệu chứng nhẹ ở mũi họng, thậm chí có trẻ còn không có triệu chứng do cơ thể trẻ em đã có một dạng miễn dịch đặc hiệu để chống lại vi-rút SARS-CoV-2. Sau khi mắc bệnh, trẻ em thường có khả năng miễn dịch niêm mạc khá cao. Việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 không những có thể giúp trẻ em sản sinh ra được nhiều kháng thể toàn thân mà còn tăng cường khả năng miễn dịch đồng bộ cho cơ thể. Ngoài ra, tiêm vắc-xin cũng sẽ giúp trẻ bổ sung khả năng chống lại nguy cơ tái nhiễm. Đó là do kháng thể tự nhiên khi khỏi bệnh sẽ giảm theo thời gian, vắc-xin sẽ giúp trẻ tránh bị nhiễm bệnh trở lại khi tiếp xúc với nguồn lây nào đó.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN