Dịp lễ Quốc khánh vừa qua, chú em đang làm công nhân dệt may ở Khu công nghiệp Phú Bài bất ngờ thông báo sẽ tranh thủ dịp lễ và kết hợp nghỉ thêm mấy ngày đi du lịch. Theo giải thích của chú em, do thời điểm này đơn hàng ít, doanh nghiệp khuyến khích người lao động nghỉ phép; nếu không cũng sẽ phải nghỉ luân phiên do thiếu việc làm. Đây là điều khác lạ so với những năm trước, bởi cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp dệt may phải tăng tốc sản xuất đáp ứng nhu cầu tăng cao của thị trường thế giới dịp noel và tết dương lịch.
Trong những năm qua, ngành dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Toàn tỉnh hiện có trên 50 đơn vị dệt may, có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của tỉnh. Điều ghi nhận, ngành dệt may đóng góp rất lớn trong giải quyết việc làm, với hơn 33 nghìn lao động. Trước đây, rất nhiều con em của Thừa Thiên Huế phải xa quê tìm kiếm việc làm, thì nay nhiều lao động quay trở lại quê làm việc khi các nhà máy đưa về tận các vùng quê. Họ ly nông, nhưng không phải ly hương.
Tuy nhiên, một trong những điểm yếu của ngành dệt may là chủ yếu may gia công. Đã làm gia công thì phụ thuộc rất nhiều vào các đơn hàng, nhưng phần giá trị gia tăng lại thấp nên hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó, để phục vụ cho sản phẩm may cần đến vài chục loại nguyên, phụ liệu khác nhau, nhưng chủ yếu phải nhập khẩu. Cả đầu vào lẫn đầu ra đều quá phụ thuộc vào thị trường thế giới, ngành dệt may rất dễ bị tổn thương khi thị trường có biến động bất thường. Điều này đã minh chứng khi đại dịch COVID-19 mới xảy ra năm 2020, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu đã ảnh hưởng không ít doanh nghiệp.
Những tháng đầu năm 2022, khi tình hình dịch bệnh trong nước và thế giới được kiểm soát, ngành dệt may đã có sự hồi phục khả quan. Tuy nhiên, do tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine; kinh tế khó khăn, tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường lớn của dệt may như Mỹ, châu Âu làm sức mua giảm; một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc vẫn đang áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chống dịch ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên, phụ liệu; chi phí vận chuyển, giá nguyên, phụ liệu tăng mạnh…, dự báo những tháng cuối năm ngành dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, những tháng cuối năm các doanh nghiệp dệt may giảm đơn hàng phổ biến khoảng 30% so cùng kỳ năm ngoái. Các doanh nghiệp dệt may Thừa Thiên Huế cũng không nằm ngoài vòng xoáy này.
Tháo gỡ những điểm nghẽn để vượt qua khó khăn là vấn đề đang được đặt ra với từng doanh nghiệp nói riêng và cả ngành dệt may nói chung. Tùy vào năng lực và tình hình cụ thể mỗi doanh nghiệp có những giải pháp riêng, vừa trong ngắn hạn lẫn dài hạn.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững trong dài hạn, ngành dệt may cần có các giải pháp thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt – nhuộm, phát triển ngành sản xuất nguyên, phụ liệu để tránh phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu. Đồng thời, với xu thế và yêu cầu “xanh hóa” ngành dệt may, việc phát triển các nguyên, phụ liệu thân thiện với môi trường là cách đón đầu, đáp ứng đề xuất mới của Ủy ban châu Âu (EC) về tiêu chuẩn sinh thái hàng dệt may tiêu thụ tại thị trường này.
Đẩy mạnh phát triển thương hiệu, giảm dần may gia công, tiến tới xuất khẩu trực tiếp là cách gia tăng hiệu quả kinh tế cao nhất. Bên cạnh đó, cùng với tập trung xuất khẩu thì thị trường nội địa với trên 100 triệu dân hiện còn rất nhiều tiềm năng, cũng cần được chú trọng đầu tư khai thác.
Một thông tin vui, trong buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh với Tập đoàn Dệt may Việt Nam cuối tháng 8 vừa qua, lãnh đạo tập đoàn này đề xuất một số mục tiêu nhằm phát triển ngành dệt may trên địa bàn tỉnh cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong đó có đề xuất về đầu tư phát triển trung tâm thời trang ở Huế và là 1 trong 3 trung tâm công nghiệp phụ trợ của cả nước. Điều này được kỳ vọng không chỉ tạo bước chuyển biến vượt bậc cho ngành dệt may Thừa Thiên Huế, mà còn góp phần tháo điểm nghẽn cho cả ngành dệt may trong nước nói chung.
Hoàng Minh