Thực hành là điều kiện tốt giúp học viên phát huy và nâng cao tay nghề
Sáng nghiệp và lạc nghiệp
Để không lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, nhiệm vụ của những người trẻ tuổi phải làm là quyết định hướng đi cho tương lai từ sớm, kể cả khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Song thực tế đến cả bây giờ, lúc gần hết năm học lớp 12, nhiều cô cậu học trò vẫn còn lúng túng chưa biết chọn ngành gì, học trường nào. Câu chuyện của Vĩnh Hoàng, ở phường An Cựu (TP. Huế) là một ví dụ, khi em “lỡ nhịp” hơn 3 năm trời chọn sai đường để đến giờ mới bắt đầu chọn lại đúng nghề, đúng sở trường và điều kiện hoàn cảnh gia đình. Vừa học vừa làm nghề thợ máy tại một cơ sở gara ô tô ở phường An Tây (TP. Huế), mỗi ngày Hoàng vừa tích lũy tay nghề vừa kiếm thêm vài trăm nghìn đồng đủ chi tiêu, trang trải sinh hoạt mà không phải dựa dẫm ba mẹ.
Xã hội có nhiều biến chuyển do dịch bệnh, thiên tai, quy luật phát triển…, nên xu hướng nghề nghiệp, quan niệm về việc làm, thu nhập cũng dịch chuyển theo. Có những ngành nghề trước thịnh thì nay suy và ngược lại, nên không chỉ người lao động, người học mà các trường nghề cũng đang thay đổi phương thức đào tạo, cập nhật đa dạng ngành nghề để gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Cùng với đó, sự đa dạng và thay đổi nhanh chóng về công nghệ sản xuất tại các doanh nghiệp (DN) cũng buộc các trường nghề phải thay đổi để theo kịp.
Trường cao đẳng Công nghiệp Huế đã đặt ra hướng đi ngay từ những năm trước, đó là gắn kết “tam giác” gia đình – nhà trường – doanh nghiệp. Lúc tuyển sinh đầu vào, trường giới thiệu các ngành trọng điểm với môi trường học tập, cơ hội việc làm, cam kết đến các thí sinh và phụ huynh. Đồng thời, xác định chuẩn đầu ra chính là “sản phẩm” để DN tiếp nhận, nên nhà trường gắn kết với DN từ năm đầu tiên, đến tốt nghiệp và quá trình công tác sau này của sinh viên thông qua xây dựng và lưu trữ hệ thống lịch sử hồ sơ với DN trong quá trình đào tạo, thực tập, tuyển dụng, công việc…
Ông Trần Hữu Châu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Huế chia sẻ, nhà trường liên kết với hơn 400 DN trong và ngoài nước để đào tạo, hợp tác nghiên cứu, thương mại hóa kết quả nghiên cứu và giải quyết đầu ra cho học sinh, sinh viên. Điển hình các DN lớn như: Công ty Vinfast, Công ty CP Hợp tác quốc tế Sao Kim; các tập đoàn: Yamaha, Toyota, Samsung, Daikin, Mitsubishi, LG, Huyndai, Yamaha, Honda, EVN, HbI, Lilama, Scavi… Các ngành nghề đào tạo của trường đều đáp ứng nhu cầu của DN. Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đều thuận lợi trong tìm kiếm việc làm, với tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo gần như đạt 100%.
Hiện nay, mục tiêu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là đẩy mạnh áp dụng chương trình đào tạo gắn kết với nhu cầu của DN và thị trường lao động, chú trọng tạo việc làm cho học viên sau tốt nghiệp. Báo cáo của ngành lao động tỉnh về tỷ lệ học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm ngay đạt ở mức tương đối cao, khoảng 80% đối với trình độ cao đẳng, trung cấp; khoảng 85% – 90% đối với trình độ sơ cấp và chương trình đào tạo dưới 3 tháng.
Giỏi nghề để tăng giá trị lao động
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế đang cần lực lượng lao động kỹ thuật chất lượng cao cho các ngành kinh tế, nhất là các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, đòi hỏi lao động qua đào tạo đạt trên 80%, trong đó trên 35% có trình độ trung cấp trở lên. Như vậy các DN mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, xu thế này yêu cầu người lao động phải thường xuyên cập nhật kiến thức kỹ năng nghề nghiệp và phải có năng lực sáng tạo, có khả năng thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của công nghệ và đòi hỏi người lao động phải học tập suốt đời. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ không còn chuyện đào tạo nghề theo phong trào, cũng như theo năng lực sẵn có mà chuyển sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của DN, theo nhu cầu học nghề của người lao động, cũng như gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, vùng và thị trường lao động ngoài nước.
Nhu cầu và mức độ tham gia của DN vào quá trình đào tạo ngày càng sâu hơn. Nhất là những DN cần nguồn lao động lớn, có tay nghề trong ngành dệt may như: Scavi, Vinatex… hay một số công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện máy, cơ khí… đang cần bắt tay hợp tác với các trường nghề để đảm bảo cung cấp nguồn lao động cho DN. Ngoài bố trí cho học viên thực tập được trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất và được hưởng thù lao theo kết quả lao động đã đóng góp, DN còn tham gia xây dựng chương trình, giáo trình, hỗ trợ vật tư thực hành, cử cán bộ kỹ thuật tham gia hướng dẫn thực hành, phối hợp với nhà trường đánh giá tốt nghiệp và tuyển dụng học sinh ngay sau quá trình thực tập tại DN.
Sự kết nối, hợp tác này đã làm lợi cho các bên, nhằm cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên toàn tỉnh lên 65,45% cuối năm 2020, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 14.000-16.000 lao động mỗi năm, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, với tỷ lệ đào tạo nghề sơ cấp và dưới 3 tháng chiếm trên 75% trong tổng số tuyển sinh các hệ đào tạo nghề chưa phải là con số mong muốn của địa phương. Mục tiêu quan trọng là phải dần dần giảm tỷ lệ này và tăng tỷ lệ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, có tay nghề cao hơn.