Ông Dương Tuấn Anh
Dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi kỳ vọng, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ tiếp tục hoàn thiện để khi ban hành sẽ trở thành bộ luật có tính đột phá trong cơ chế quản lý và khai thông các nguồn lực cho đất nước. Qua đó, giúp doanh nghiệp được tiếp cận đất đai một cách dễ dàng hơn, để thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Thực thế cho thấy, khi doanh nghiệp tiếp cận đất đai dễ dàng họ có thể có một loại tài sản thế chấp hữu hiệu trong trường hợp muốn vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Ngược lại, nếu không tiếp cận được tín dụng, thì nhiều doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội phục hồi sau đại dịch hoặc không thể mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, bỏ lỡ cơ hội đầu tư cho tài sản mới.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới đây đã bổ sung nhiều điểm mới, trong đó có các nội dung công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê đất. Đa số ý kiến thống nhất với việc Dự thảo Luật bổ sung quyền chuyển nhượng, thế chấp tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm để thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW về đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất, cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm.
Song, chúng tôi vẫn cho rằng, cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật về điều kiện để nhận chuyển nhượng và nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất gắn với dự án đầu tư bất động sản. Các quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có phần khắt khe khi không cho phép doanh nghiệp đã được phê duyệt dự án đầu tư thuê đất trả tiền hàng năm chuyển nhượng hoặc góp vốn dự án đầu tư. Việc giao đất, cho thuê đất là phương thức tiếp cận đất đai. Nếu phương thức tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, người dân gặp rào cản, cơ chế pháp lý không minh bạch, không đảm bảo sẽ ảnh hưởng rất lớn về kinh tế, xã hội, giảm tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, tăng chi phí đầu vào, không khuyến khích, thu hút được các nhà đầu tư.
Ngoài ra, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất để triển khai dự án. Vì thế khi sửa Luật Đất đai, chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng nên nghiên cứu sửa cả phương pháp định giá đất, hệ số điều chỉnh, cơ chế xác định giá đất cần thông qua cơ quan độc lập. Việc kéo sát khoảng cách giá đất đền bù và giá thị trường sẽ góp phần giải quyết hài hòa lợi ích của các bên từ nhà đầu tư bất động sản, người bị thu hồi đất, đến đảm bảo hài hòa lợi ích chung và tránh thất thu ngân sách. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần làm rõ khái niệm “giá đất thị trường” là gì và được tính toán, xác định bằng các phương pháp nào? Đồng thời, quan tâm đến một số nội dung về xây dựng cơ chế điều tra, cập nhật thông tin về giá đất đai và bất động sản, thực hiện phân công quản lý cơ sở dữ liệu về giá đất; nghiên cứu, đồng bộ hóa dữ liệu của các ban ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương; để từ đó hình thành nên cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đất, bất động sản. Đây sẽ là cơ sở để xác định giá bồi thường đất sát với giá thị trường, đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan, qua đó sớm tháo gỡ nút thắt về giải phóng mặt bằng, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai hơn.
Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong muốn, các quy định sửa đổi cần đảm bảo được tính hợp lý khi áp dụng vào thực tiễn, với mục tiêu giải phóng nguồn lực đất đai phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội một cách hiệu quả.
Hải Thuận (lược ghi)